Bình Định phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống hơn 1%

Tỉnh Bình Định phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,13% (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước), góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2025, tiếp tục duy trì tỷ lệ nghèo của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm...

Đó là mục tiêu tổng quát của Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024-2025 do UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành.

BinhDinhhongheo.jpg
Lễ khánh thành và triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 do Ủy ban nhân dân huyện An Lão tổ chức ngày 24/1/2024. Ảnh: binhdinh.gov.vn

Kế hoạch cũng nêu rõ, một số xã, phường của hai thị xã Hoài Nhơn, An Nhơn và thành phố Quy Nhơn sẽ không còn hộ nghèo. Các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo dưới 6%; trong đó, huyện nghèo An Lão sẽ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Mục đích của Kế hoạch nhằm thống nhất cách hiểu, cách làm trong thực hiện các giải pháp về giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đề ra một số nội dung và giải pháp trọng tâm như: Tích cực phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; huy động nguồn lực của xã hội, bố trí nguồn lực ngân sách cho công tác giảm nghèo. Tỉnh thực hiện hiệu quả các chương trình đảm bảo an sinh xã hội, đề án, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Bình Định đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; giới thiệu cách làm sáng tạo, mô hình hay, dự án thành công về giảm nghèo. Cùng với đó là động viên, khích lệ người dân xóa bỏ tư tưởng muốn thuộc diện hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo của mỗi địa phương, hộ gia đình.

Tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác giảm nghèo. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân trong thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo...

Bên cạnh đó, địa phương chú trọng giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 3.379 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh; huy động từ các nguồn ngoài ngân sách và vốn vay tín dụng ưu đãi cho 1.055 hộ nghèo, cận nghèo chưa tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 5.183 hộ chưa tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh...

Về giải pháp về nâng cao năng lực, tỉnh sẽ đào tạo, bồi dưỡng khoảng 1.500 cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nắm rõ nguyên nhân nghèo và chiều thiếu hụt để thống nhất thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung ưu tiên trên 1.100 cán bộ thôn/khu phố được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn; hướng dẫn nghiệp vụ công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để xác định chính xác thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trong giai đoạn 2024-2025...

Lê Phước Ngọc

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm