Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN |
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bình Định có huyện Hoài Nhơn đã đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã An Nhơn hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh đã bê tông hóa được hơn gần 3.600km đường nông thôn; kiên cố hóa gần 1.200km kênh mương, nâng tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên 2.028km, chiếm 74,6% tổng chiều dài hệ thống kênh mương toàn tỉnh; tỉ lệ diện tích chủ động tưới tiêu 83,4%. Qua đó, thúc đẩy sản xuất trong nông nghiệp phát triển mạnh trong nhiều năm qua. Bình Định là một trong những tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh của cả nước với nhiều mô hình liên kết sản xuất; trong đó, lớn nhất là mô hình liên kết chăn nuôi lợn thịt tại huyện Hoài Ân với hơn 29.000 hộ dân tham gia. Bình Định cũng đã xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao quy mô hơn 206 ha tại huyện Phù Cát và chuẩn bị hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 406 ha; có đội tàu thuyền và sản lượng hải sản đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước… Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào toàn dân, toàn diện và đoàn kết. Qua đó, chương trình đã từng bước nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội cho người dân; số hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 5,51%. Mục tiêu đến năm 2020, Bình Định có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 địa phương cấp huyện đạt và hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đánh giá về quá trình thực hiện chương trình này, ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định cho rằng: Nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn tập trung khá nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa thực sự chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển… Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phải thực hiện thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn toàn diện, bền vững. Yêu cầu đặt ra là tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng xây dựng nông thôn mới ở những vùng khó khăn như vùng bãi ngang, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phát triển nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo môi trường và nhu cầu của người dân, lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng và phát triển. Theo đó, các cấp ủy Đảng và chính quyền Bình Định tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với phát triển các đô thị, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn. Đặc biệt, cấp ủy Đảng và chính quyền phải quan tâm, hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, trước hết tập trung vào các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống, gắn với chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Cùng với xây dựng nông thôn mới, các địa phương đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung các phong trào nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị văn minh.
Phạm Kha