Theo dự thảo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2030 ngành khí tượng – thủy văn sẽ có vai trò tương xứng, là một phần quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, năng động, nhanh và bền vững, đổi mới sáng tạo, hoạt động phục vụ hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hóa, hình thành được nền công nghiệp khí tượng - thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. Đến năm 2045, trình độ, năng lực ngành khí tượng – thủy văn của Việt Nam sẽ thuộc hàng các nước tiên tiến trên thế giới.
Bài 5 (bài cuối): Phá thế độc quyền về thông tin khí tượng - thủy văn
Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng - thủy văn; hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng -thủy văn; công tác thông tin, truyền tin, dữ liệu và xây dựng tài nguyên số thông tin khí tượng - thủy văn; dịch vụ khí tượng - thủy văn; truyền thông khí tượng - thuỷ văn; kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng - thủy văn.
Trong đó, để hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng - thủy văn, đến năm 2030 ngành sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về khí tượng - thủy văn, đo mưa, bức xạ, nông nghiệp, xâm nhập mặn theo hướng tăng dày mật độ các trạm tự động lên 70 % so với số lượng hiện có, ưu tiên phát triển tại các khu vực vùng núi phía Bắc, Trung Bộ; đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
TTXVN trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, về ý tưởng phá thế độc quyền liên quan đến thông tin khí tượng - thủy văn, một trong nhiều hướng để phát triển ngành.
Phóng viên: Xin Giáo sư, Tiến sỹ nói rõ hơn những vấn đề liên quan đến việc phá thế độc quyền về thông tin khí tượng - thủy văn và vì sao cần làm như vậy?
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái: Tổng cục Khí tượng Thủy văn từ các năm 2018, 2019, 2020 đã bắt đầu thí điểm và đã thí điểm thành công chiến lược thay vì đầu tư kinh phí để xây dựng trạm đo mưa thì đầu tư vào việc đặt hàng thông tin về mưa. Trước đó, chúng tôi đã trăn trở rất nhiều với câu hỏi: Tại sao lại cần có trạm đo mưa trong khi thực ra là chỉ cần thông tin về mưa. Đặt hàng thông tin có phải là khôn ngoan hơn không?
Theo tính toán của chúng tôi, rút tiền đầu tư xây trạm mới để thuê doanh nghiệp thu thập số liệu cho mình là giải pháp thông minh và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Thứ nhất là chi phí ít đi một nửa. Thứ hai, chúng tôi không phải mở rộng bộ máy quản lý. Có người khác làm thay cho mình rồi, cần gì phải phình to thêm bộ máy quản lý nữa. Thứ ba, chúng tôi không cần mua hay thuê thêm đất đai, không phải tìm vị trí để lắp đặt trạm. Thứ tư là vì không cần nhân lực điều hành thiết bị nên chúng tôi có thể giảm bớt biên chế.
Theo cách quản lý như hiện nay, nếu một trạm đo mưa hay trạm thủy văn bị xuống cấp, hư hỏng, phải sửa chữa thì trạm trưởng báo cáo với tôi để tôi tổng hợp và trình lên bộ. Đợi bộ duyệt, nhận được tiền thì ít nhất cũng mất khoảng 8 tháng. Nếu trạm này là của doanh nghiệp thì hỏng cái gì thì họ sửa luôn. Hiệu quả vận hành vì thế mà rất cao.
Để chất lượng thông tin đặt hàng được đảm bảo thì Nhà nước, cơ quan chức năng cần đưa ra tiêu chí phải quản lý cơ sở cung cấp thông tin như đối với một doanh nghiệp. Các thiết bị đó phải được cơ quan quản lý nhà nước kiểm định hoặc nhiệm vụ kiểm định sẽ được xã hội hóa. Như vậy là việc xã hội hóa đã đi vào mạng lưới quan trắc. Xử lý các vấn đề liên quan đến đường truyền thông tin, tôi nghĩ, cũng theo cách như vậy.
Khi mà thông tin khí tượng - thủy văn được xã hội quan tâm thì công tác dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ tập trung vào việc dự báo, cảnh báo thiên tai. Các doanh nghiệp, cá nhân, thậm chí là tổ chức quốc tế được tạo điều kiện để tham gia thị trường dịch vụ về thông tin khí tượng - thủy văn. Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho những doanh nghiệp, cá nhân có đủ điều kiện. Và như vậy tình trạng độc quyền về về dự báo khí tượng thủy văn không còn nữa.
Phóng viên: Giáo sư, Tiến sỹ có nhận thấy việc phá thế độc quyền về thông tin dự báo, cảnh báo ảnh hưởng bất lợi đến ngành của mình và cán bộ, nhân viên của mình?
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái: Ở cương vị người đứng đầu ngành, dĩ nhiên tôi nhìn rõ hơn ai hết mọi khía cạnh của vấn đề. Nhưng nếu chỉ nghĩ đến lợi ích hẹp, cục bộ và trước mắt thì làm sao đưa ngành phát triển lên được. Tôi tập trung vào việc phát triển chiến lược, chính sách của ngành. Điều tôi muốn thấy là có nhiều đơn vị cùng tham gia thị trường dịch vụ thông tịn khí tượng - thủy văn.
Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai vẫn do Tổng cục Khí tượng Thủy văn đảm nhận. Đó là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội. Còn các dự báo dịch vụ liên quan đến khí tượng - thủy văn thì cần để các doanh nghiệp tham gia.
Cái lợi chung là sản phẩm dịch vụ sẽ phong phú, các ngành, địa phương được hưởng lợi. Điều có lợi riêng đối với ngành khí tượng -thủy văn là được học hỏi kinh nghiệm, có động lực cạnh tranh để vươn lên.
Phóng viên: Giáo sư, Tiến sỹ có thể cho biết chiến lược phát triển và cạnh tranh của ngành khí tượng - thủy văn trong điều kiện không còn độc quyền thông tin dự báo, cảnh báo về khí tượng - thủy văn nữa?
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái: Điều này cần có có lộ trình. Bắt đầu từ năm 2018, chúng tôi đã ban hành quyết định cho các đơn vị sự nghiệp của Tổng cục có quyền tự chủ về nhân sự và tài chính. Đến năm 2025, các đơn vị sẽ bước vào thời kỳ tự chủ thực sự. Chúng tôi đã xây dựng đơn giá để thực hiện việc trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp.
Trước đây, các trạm khí tượng - thủy văn, hải văn… được phân ra thành các trạm cấp I, II và III. Trạm cấp I có 7 biên chế, trạm cấp II có 5 người, trạm cấp III có 3 hoặc một nhân viên (nếu trạm được lắp thiết bị quan trắc tự động).
Nay chúng tôi không giao kinh phí theo các cấp nữa mà tính tiền theo chất lượng và số lượng thông tin mà các đài khí tượng - thủy văn khu vực, đài khí tượng - thủy văn tỉnh và các trạm quan trắc cung cấp cho ngành. Các đơn vị thực hiện bao nhiêu yếu tố thì nhân theo hệ số để ra kinh phí. Giám đốc các đài khí tượng - thủy văn khu vực hay đài khí tượng -thủy văn tỉnh có quyền quyết định số lượng nhân viên sao cho phù hợp với khối lượng công việc và tổng thu nhập.
Trong gian đoạn 2021 - 2025, chúng tôi sẽ thực hiện việc đặt hàng một cách cụ thể hơn. Ngay từ cuối năm nay, chúng tôi đã ban hành quy chế nghiệm thu các sản phẩm đặt hàng. Từ năm 2025, chúng tôi yêu cầu các đơn vị sự nghiệp phải tự chủ thực sự và tạo ra sức cạnh tranh.
Nếu người đứng đầu một đơn vị làm không tốt công việc của mình thì cơ chế xã hội hóa sẽ được áp dụng, chúng tôi sẽ thuê người khác điều hành bộ máy. Từ năm 2025 các đơn vị sự nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp và có cả quyền tự chủ về đầu tư. Những người làm việc tại đó không còn là viên chức nữa.
Trừ các trạm cung cấp thông tin nền thiết yếu vẫn do Tổng cục Khí tượng Thủy văn đầu tư và điều hành, còn lại các trạm quan trắc khác sẽ được xã hội hóa. Nếu lộ trình này được thực hiện nghiêm túc thì số lượng cán bộ, nhân viên của ngành khí tượng - thủy văn sẽ giảm đi nhiều. Lúc đó, Tổng cục chỉ còn 150 công chức, còn lại là viên chức sự nghiệp. Các viên chức này sẽ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp đã trở thành doanh nghiệp.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, Tiến sỹ, việc tích hợp các trạm khí tượng - thủy văn và sự hợp tác cùng sử dụng một trạm quan trắc giữa các bộ, ngành sẽ được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái: Theo tôi, nguyên tắc là ngành quản lý lĩnh vực nào thì vẫn quản lý thông tin của của ngành đó, họ cũng quản lý luôn cả việc đầu tư thiết bị.
Tuy nhiên, việc vận hành cần được chuyên nghiệp hóa. Nghĩa là giao trách nhiệm vận hành cho một đơn vị sự nghiệp, tức là một doanh nghiệp. Anh cần thông tin gì ở trạm tôi thì anh cứ việc đặt hàng đi, sẽ có người thực hiện.
Còn nếu mỗi ngành đều muốn xây dựng hệ thống trạm quan trắc của mình, thuê hay sở hữu một mảnh đất riêng thì rất tốn quỹ đất và kinh phí đầu tư.
Nếu chúng ta tích hợp được các trạm quan trắc, chỉ cần hai loại trạm thôi, chẳng hạn thủy văn và tài nguyên nước, thì cũng giảm được một khoản đầu tư rất lớn.
Các trạm tích hợp có ích cho xã hội hơn là các trạm quan trắc truyền thống. Tại một tòa nhà có thể đặt nhiều trạm, đó có thể là trạm môi trường kết hợp với trạm khí tượng - thủy văn. Điều này là để tránh lãng phí và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực.
Chẳng hạn, ngành môi trường cũng có thể lắp thiết bị quan trắc tại trạm tích hợp mà không cần đến quan trắc viên hay người trông coi thiết bị. Bộ máy vận hành chung sẽ đáp ứng các nhu cầu của ngành môi trường cũng như của các ngành khác. Điều này cũng tương tự như việc vận hành văn phòng chung giữa Tỉnh ủy, UBND và HĐND ở các địa phương. Ban đầu sẽ gặp khó khăn nhưng về sau mọi việc sẽ vào nền nếp. Không nên quan niệm trạm là của ngành này, ngành kia.
Chúng tôi cho rằng, thời điểm hiện tại rất phù hợp để nêu ra ý tưởng tích hợp các trạm quan trắc, biến các trạm quan trắc truyền thống thành trạm đa chức năng và phục vụ chung cho nhiều bộ, ngành. Nếu không nói ra bây giờ thì sẽ là… không bao giờ.
Phóng viên: Cảm ơn Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái./. (Hết)
Trần Quang Vinh