Hiện nay, ngành Tài nguyên - Môi trường có 3.000 cán bộ, nhân viên quan trắc tài nguyên và môi trường, trong đó hơn 2.000 cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ “ngóng gió, đo nước”. Đội ngũ quan trắc viên chuyên nghiệp đang làm việc tại hơn 1.500 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường trên cả nước.
Bài 4: Dành tuổi thanh xuân để “ngóng gió, đo nước”
Sản phẩm của họ được sử dụng làm thông tin cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; dự báo, cảnh báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhằm phục vụ đắc lực cho việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp về thực trạng và diễn biến ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất và suy giảm đa dạng sinh học; phục vụ công tác xây dựng chính sách, xây dựng biện pháp cần thiết phòng ngừa, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường; bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.
Em đo nước sông...
Phía ngoài đê hữu ngạn sông Lam tại địa phận xã Thanh Yên (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) chỉ có duy nhất một ngôi nhà, đó chính là Trạm Thủy văn Yên Thượng. Ở phía bên kia con đê cao chắn lũ là xóm làng, là đông đúc những ngôi nhà với tiếng cười trẻ thơ, những bữa cơm gia đình ấm cúng. Còn phía bên này là đồng bãi mênh mông, là con sông Lam thật hiền hòa vào mùa cạn và rất hung dữ vào mùa lũ.
Trạm thủy văn là nơi làm việc của 5 quan trắc viên - Trạm trưởng Trần Huy Thảng, anh Phan Khánh và ba chị em - Nguyễn Thị Thoa (sinh năm 1985), Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1988) và Trương Thị Huyền (sinh năm 1989).
Khi ánh chiều tà sắp tắt, nếu không phải ca trực thì ai về nhà nấy. Riêng ba mẹ con Thắm “Tròn” (vì chị có dáng người tròn trịa) ở lại đối mặt với màn đêm. Nhà riêng ở xa, nhà bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng cũng không gần, chồng làm việc tận thành phố Vinh, cách hơn 40 cây số, nên chị ở luôn tại trạm.
Các phóng viên TTXVN đã chứng kiến cảnh Thắm cùng ba đồng nghiệp của mình băng qua bãi bùn, lội ra sông để lên con thuyền sắt, đo mực nước, đo lưu lượng dòng chảy. Với chiều cao khiêm tốn của Thắm, mực nước sông ngập đến gần cổ, trong khi áo của Trạm trưởng Thảng chưa ướt tới ngực. Chị đùa: “Giá em cao mét bảy thì lội sông vô tư. À, mà vậy thì em không làm nghề đo nước, e sẽ làm người mẫu”.
Đo tốc độ dòng chảy mùa khô rất cực vì phải lội một quãng dài mới tới được con thuyền chứa thiết bị nặng chình chịch. Cần tới ít nhất 4 nhân lực - người kéo thuyền, người theo dõi máy đo, người ghi sổ, người quan sát mặt nước… Mùa nước lũ, con thuyền có thể neo sát bờ, không cần lội. Tuy nhiên, những hiểm nguy lại luôn rình rập, khi con sông trở nên mênh mông, nước chảy cuồn cuộn.
Nhưng điều mà Thắm e ngại nhất không phải là việc kéo thuyền ra giữa sông đo đo, đếm đếm. Vì điều này diễn ra vào ban ngày, có đồng nghiệp bên cạnh. Hơn nữa, đo tốc độ dòng chảy của con sông Lam không phải là công việc thường xuyên, chủ yếu vào mùa lũ.
Chị kể: “Hồi mới đi làm, em sợ nhất phải ra bờ sông lấy số liệu quan trắc mặt nước lúc 1 giờ sáng. Bãi sông dài như vô tận, những đụn đất mấp mô trông thật ma quái, tiếng côn trùng kêu nghe lạnh người…”.
Tuy nhiên, công việc đo nước chỉ cần một người và mỗi quan trắc viên phải đảm nhận một ca, không ai có thể dựa vào ai mãi được. Lâu dần, Thắm không biết sợ là gì nữa.
Mỗi ca trực, Thắm và các đồng nghiệp thực hiện 8 “ốp” (phiên thu thập số liệu quan trắc), mỗi “ốp” cách nhau 3 giờ, bắt đầu từ 1 giờ sáng.
Vào lúc 7 giờ sáng và 7 giờ tối, người trực vào sổ sách và chuyển số liệu về Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ đóng ở thành phố Vinh. Công việc của các quan trắc viên ở đây là đo mực nước sông Lam, nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí, tốc độ dòng chảy và lượng mưa vào những ngày có mưa.
Sông Lam hay sông Cả là một trong hai con sông lớn ở Bắc Trung Bộ - bắt nguồn từ cao nguyên Xiêng Khoảng (Lào). Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh rồi đổ ra biển tại Cửa Hội.
Trên lãnh thổ Việt Nam, sông chảy qua địa phận các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò (ở phía Nghệ An). Tổng cộng chiều dài của sông là khoảng 512 km, đoạn chảy trong nội địa Việt Nam là khoảng 361 km.
Mưa dồn dập, kéo dài trên diện rộng cùng với độ dốc lưu vực và mạng lưới sông là nguyên nhân chính gây nên các trận lũ lớn ở lưu vực sông Lam. Đặc điểm nổi bật về lũ lớn trên lưu vực sông Lam là khi có mưa to do một trong các hình thế thời tiết gây mưa (bão hoặc áp thấp nhiệt đới; bão kết hợp không khí lạnh; không khí lạnh kết hợp với các hình thế thời tiết khác) và sau khi mực nước đạt mức báo động II với cường suất lũ cao mà vẫn còn những trận mưa dồn dập suốt mấy ngày.
Các số liệu quan trắc ở Trạm Thủy văn Yên Thượng gợi lại ký ức kinh hoàng của các nhân chứng về trận lũ kép cực lớn vào tháng 10/1978 với hai đỉnh nước. Mực nước cao nhất tại Nam Đàn (giáp với huyện Thanh Chương ở phía hạ nguồn sông Lam) là 9,64 m (mức nước cao nhất trong các cơn mưa hoàn nguyên sau bão là 10,38 m). Trận lũ đặc biệt này là do các trận mưa của ba cơn bão gây nên (bão số 7, 8, 9) kết hợp với không khí lạnh. Trên hai tuyến đê sông Lam có 125 điểm bị vỡ (đê tả bị vỡ 39 điểm, đê hữu vỡ 86 điểm).
Bởi vậy, nhiệm vụ chủ chốt của các quan trắc viên ở Trạm Thủy văn Yên Thượng là quan sát những biến động dòng chảy, mực nước của sông Lam và cảnh báo lũ, góp phần bảo vệ các làng mạc, đô thị ở phía hạ nguồn.
... Anh đếm mây và gió biển
Cách Trạm Thủy văn Yên Thượng hơn 40 km và cách bãi biển Cửa Lò khoảng 4 km, nằm ở ngoài khơi của tỉnh Nghệ An là đảo Hòn Ngư, còn gọi là Song Ngư vì có hai hòn đảo dính vào nhau. Tại đây có Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư.
Hòn đảo chỉ rộng 2,5 km2 với hai ngọn núi - hòn lớn cao 133m, hòn nhỏ cao 88m. Hành trình đến với Trạm Khí tượng Hải văn là thử thách lớn đối với những người không quen leo núi. Chiếc ca nô đậu ở phía bên này đảo, còn trạm thì nằm ở phía bên kia, cách nhau một quãng đường khá dài và tương đối bằng phẳng, tiếp đến là hàng nghìn bậc đá cheo leo, dẫn tới gần đỉnh rồi lại đưa xuống dốc.
Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư chia thành hai điểm - điểm quan trắc nước biển nằm ở dưới chân hòn nhỏ, còn vườn khí tượng được đặt ở trên đỉnh núi. Tuy có bậc đá dẫn lên nhưng cây cối um tùm chìa cành ra khiến cho lối đi nhỏ lại. Vào ban ngày và nắng ráo việc trèo lên vườn khí tượng đã khá vất vả, còn khi đêm xuống, trong những cơn mưa bão, cây đổ ngổn ngang chắn đường thì đây là một hành trình gian nan.
Cắm chốt ở trạm Hòn Ngư là ba chàng trai người Nghệ An – Trạm trưởng Hoàng Huy, cùng hai quan trắc viên Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Cảnh Long. Nhiệm vụ hằng ngày của các anh là lên đỉnh núi đo hướng gió, nhiệt độ không khí rồi xuống gần mặt biển để quan trắc nước. Họ có ý thức rất rõ về nhiệm vụ “canh trời, canh biển” của mình.
Công việc không quá nặng nhọc đối với những chàng trai “tuổi đang xoan”. Họ cũng đã quen rồi cảm thấy gắn bó với những “ốp” lặp đi lặp lại và có thể nhàm chán trong con mắt của người ngoài ngành. Chỉ khi sóng lớn, gió to thì đây mới là dịp thử thách sức khỏe và ý chí của các quan trắc viên. Tuy nhiên, niềm tâm sự mà họ muốn tìm quên trong công việc là… nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con và nhớ đất liền.
Hoàng Huy tâm sự: “Vợ em làm việc ở ngay thành phố Vinh, nếu ở đất liền thì chỉ cần phóng xe máy chưa đầy 30 phút là gặp được nhau. Nhưng em đang trên đảo, đi lại bất tiện và do tính chất công việc nên thường thì mỗi tháng chỉ về một lần. Nếu đến phiên về mà biển động, tàu không ra được thì em phải chờ đến tháng sau. Dĩ nhiên là nhớ vợ rồi, còn trẻ mà, nhưng em nhớ con nhiều hơn”.
Biển động cũng đồng nghĩa với việc nguồn tiếp tế lương thực - thực phẩm bị gián đoạn. Cá khô dự trữ được, còn rau xanh thì không. Ba anh em Huy, Sơn, Long rất ngán những bữa cơm chỉ có cá khô và nước mắm được bày biện sơ sài, nhìn đã thấy… no.
Nguyễn Văn Sơn cho biết, mùa bão đáng sợ thật, nhưng ít ra còn có mưa, nghĩa là có nước ngọt để dùng. Còn vào những ngày nắng nóng kéo dài, nước phải tiết kiệm từng gáo, dùng để ăn còn hiếm, nói gì đến tắm, giặt.
Đối với Nguyễn Cảnh Long, buồn nhất là đêm 30 Tết. Mỗi anh em đứng tựa một gốc cây, lặng lẽ nhìn về phía thị xã Cửa Lò đèn điện sáng trưng mà thèm quay quắt không khí quây quần bên mâm cơm cúng giao thừa.
Điều đặc biệt nữa là trong tất cả các cơ quan, đơn vị trú chân tại Hòn Ngư không hề có bóng dáng một người phụ nữ nào. Long kể, không phải bây giờ mà từ xưa vẫn thế, như một điều kiêng kỵ.
Tuy vậy, không một quan trắc viên nào ở trạm Hòn Ngư có ý định xin về đất liền trước khi kết thúc “nhiệm kỳ”. Ngược lại thì nhiều. Nguyễn Ngọc Sơn đã “cắm chốt” trên đảo tổng cộng hơn 10 năm và đây là lần thứ hai anh xung phong ra Hòn Ngư. Trước anh đã có người trạm trưởng gắn bó với trạm, với đảo suốt 30 năm liền và trong những tháng đầu tiên nghỉ hưu thì xuất hiện tình trạng ngược với say sóng là “say đất liền”...
Trong bản Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đánh giá về lực lượng quan trắc viên của mình như sau:
“Đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn kỹ thuật được đào tạo cơ bản. Một số tự học để nâng cao trình độ về học thuật và chuyên môn kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành phục vụ chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhiệm.
Đa số cán bộ làm công tác tại các trạm còn trẻ và đầy nhiệt huyết với công việc, có tinh thần yêu nghề, yêu công việc, có ý thức xây dựng và phát triển trạm. Nhiều cán bộ, viên chức tại các trạm là người địa phương nên có sự am hiểu về điều kiện tự nhiên và xã hội tại địa bàn”./.
Trần Quang Vinh
Bài 5: Phá thế độc quyền về thông tin khí hậu - thủy văn