Làm sao để công tác dự báo thời tiết không chỉ nhằm phòng tránh thiên tai, giảm thiểu rủi ro, mà còn tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là niềm trăn trở của Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Để làm được điều này, ngoài nhiệm vụ chính trị là đưa ra các bản tin dự báo thời tiết chung thì Tổng cục Khí tượng Thủy văn còn thực hiện các bản tin dự báo đặc thù theo nhu cầu riêng của từng ngành, từng địa phương.
Bài 3: Dự báo thời tiết “theo địa chỉ”
“Hàm lượng thời tiết” sẽ làm tăng hiệu quả của các dự án kinh tế, chương trình an sinh xã hội của các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Mặt khác, ngành khí tượng-thủy văn không thể làm tốt nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội nếu không có sự chia sẻ thông tin từ phía các bộ, ngành, địa phương. Các thông tin liên quan đến khí tượng, thủy văn, địa chất, kinh tế - xã hội, đặc điểm của địa phương… không thể đi theo đường một chiều mà cần có sự trao đổi, hợp tác.
Thiên tai mang sắc thái địa phương
Từ năm 2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra yêu cầu là ngành khí tượng - thủy văn phải thay đổi tư duy dự báo trên cơ sở nhu cầu kinh tế-xã hội của đất nước. Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua công tác dự báo thời tiết đang giữ tư duy cảnh báo các hiện tượng thiên tai nguy hiểm, tập trung vào các dự báo bão, lũ, trong khi tại Việt Nam có 19 loại hình thiên tai khác nhau.
Trên thực tế, dù tại một địa phương có thể xảy ra nhiều loại hình thiên tai nhưng vẫn có một vài loại hình thời tiết cực đoan mang sắc thái vùng miền, gọi là “thiên tai đặc thù”.
Theo Dự án thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau của sự biến đổi khí hậu.
Trong khi đa số các khu vực ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng do xâm nhập mặn thì Kiên Giang lại khá “an toàn” do đã có hệ thống cống ngăn mặn tương đối hoàn chỉnh. Cà Mau lại chịu tác động mạnh nhất, trừ khu vực trung tâm phía Tây được hệ thống cống ngăn mặn bảo vệ.
Dòng chảy sông Mê Công ảnh hưởng lớn tới sự suy giảm nồng độ mặn ở vùng ven biển Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Kiên Giang. Nồng độ mặn ở những vùng này giảm xuống vào tháng 6 trong khi nồng độ mặn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau vẫn giữ nguyên như trong tháng 4.
Trong tương lai, Cà Mau sẽ chịu thiệt hại về kinh tế lớn nhất do xâm nhập mặn, tiếp theo là Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh. Về sản lượng cây ăn quả thì Bến Tre chịu thiệt hại nặng nhất, sau đó là Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang và Trà Vinh.
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu thì lũ lớn sẽ xảy ra ở các tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, An giang. Tại các khu vực ven biển, mức lũ không lớn như ở đầu nguồn. Tuy nhiên, do nằm ở đầu nguồn tiếp giáp với tỉnh An Giang nên tỉnh Kiên Giang cũng chịu ảnh hưởng của lũ lụt nhiều hơn so với các tỉnh ven biển khác.
Ngoài ra, vùng phía trên của tỉnh Tiền Giang cũng chịu ảnh hưởng của lũ do vùng này không chỉ nhận lưu lượng lũ của sông Mê Công, mà còn nhận dòng chảy lũ từ tỉnh Đồng Tháp chuyển sang. Tại Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng có những vùng trũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Trong tương lai, Kiên Giang sẽ bị thiệt hại lớn do một phần diện tích lúa rất lớn bị ảnh hưởng của lũ lụt, nước biển dâng, tiếp đến là Tiền Giang. Còn Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu sẽ bị thiệt hại trên diện rộng về sản lượng tôm do nước biển dâng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết: Cà Mau là tỉnh duy nhất trong cả nước có ba mặt giáp biển, kéo dài từ biển Đông sang biển Tây với bờ biển dài 254 km. Phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển, có nhiều cửa sông, cửa biển (87 cửa sông thông ra biển). Cư dân của tỉnh sống rải rác, dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Điểm dễ nhận thấy nhất từ sự biến đổi khí hậu ở tỉnh trong những năm qua là mùa khô kéo dài làm nhiệt độ tăng cao, gây ra tình trạng hạn hán khốc liệt, thiếu nước, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Theo đánh giá về tình hình khí hậu ở Cà Mau trong 30 năm qua (1988-2018), nhiệt độ trung bình năm có xu hướng tăng dần với mức tăng 0,07 độ C qua mỗi năm, lượng mưa có xu hướng giảm dần với mức giảm 10 mm mỗi năm. Độ mặn trung bình trong nước sông, kênh, rạch vào mùa khô có xu hướng tăng dần với mức tăng trung bình 0,47 phần nghìn qua mỗi năm.
Vào mùa mưa tại Cà Mau thường xuyên có những trận mưa lớn bất thường gây ngập úng đô thị kết hợp với triều cường, nước biển dâng làm sạt lở bờ sông, bờ biển.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, căn cứ vào một số loại hình thiên tai xảy ra trên thực tế thời gian qua và mức độ thiệt hại, tỉnh đã xác định các loại hình thiên tai đặc thù như sau: Bão và áp thấp nhiệt đới có mức rủi ro cấp độ 3, 4, 5; lốc và sét – rủi ro cấp độ 1, 2; hạn hán và xâm nhập mặn – rủi ro cấp độ 1, 2; ngập úng – rủi ro cấp độ 1, 2; sạt lở đất – rủi ro cấp độ 1; nước biển dâng do triều cường – rủi ro cấp độ 1, 2; mưa trái mùa – rủi ro cấp độ 1, 2…
Dự báo thời tiết theo tính chất đặc thù
Các dự án thủy điện, giao thông, công nghiệp, an sinh xã hội đều cần đến các thông tin khí tượng – thủy văn. Bởi vậy, Tổng cục Khí tượng Thủy văn có thể xây dựng các bản tin thời tiết “theo địa chỉ” để phục vụ nhu cầu đặc thù của ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có quy định cụ thể về việc phân cấp ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo về thời tiết trong hệ thống cảnh báo quốc gia.
Theo đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia có trách nhiệm chi tiết hóa bản tin đến cấp tỉnh trong phạm vi toàn quốc. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và Đài khí tượng Thủy văn tỉnh chi tiết hóa bản tin đến cấp huyện thuộc phạm vi đài quản lý. Quy định này nhằm tránh sự chồng chéo giữa các cấp dự báo, vừa đảm bảo tính đầy đủ, chi tiết, kịp thời của bản tin.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Cao Bằng, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bạc Liêu, Trạm Khí tượng Nông nghiệp Bạc Liêu… đều khẳng định, các đơn vị tích cực thực hiện quy định nói trên của ngành, sẵn sàng cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo "theo địa chỉ", chủ động tìm kiếm đối tác...
Ngoài việc báo cáo số liệu vào hệ thống của ngành, các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và Đài khí tượng Thủy văn tỉnh còn gửi thông tin thời tiết chi tiết đến Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Phát thanh và Truyền hình, báo tỉnh, thành phố…
Mặt khác, khi nền kinh tế phát triển thì “hàm lượng thời tiết” càng có sức nặng trong tất cả các lĩnh vực. Sẽ đến thời điểm các ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động "đặt hàng" các thông tin khí tượng - thủy văn đặc thù.
Chẳng hạn, nếu có thông tin dự báo chính xác, cụ thể về dòng chảy đến trên sông và lượng mưa trên địa bàn thì ngành thủy điện có thể tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bởi vào mùa lũ, các hồ thủy điện phải xả lũ theo quy trình, giữ mực nước thấp, mà mực nước thấp thì sản lượng điện sẽ giảm, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Trong trường hợp ngành khí tượng-thủy văn đưa ra dự báo sẽ có mưa trong 3 ngày tới thì việc xả lũ phải được thực hiện ngay lập tức. Nhưng nếu dự báo sẽ có mưa trong 30 ngày nữa thì nhà máy thủy điện vẫn có thể hoạt động bình thường trong 27 ngày và chỉ xả lũ trong 3 ngày sau đó.
Ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng cao su, cà phê, rất nhạy cảm với mưa, nắng. Nếu có cảnh báo dài hạn về mưa lũ hay hạn hán thì việc điều chỉnh thời vụ được áp dụng để giảm thiểu rủi ro.
Thông tin về khí tượng-thủy văn trong các bản quy hoạch dài hạn của các ngành, địa phương sẽ giúp giảm thiểu được rất nhiều sự rủi ro do thiên tai. Chẳng hạn, tỉnh Lai Châu có kế hoạch di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét thì địa phương cần có thông tin về cấu tạo địa chất, lớp vỏ phong hóa, đặc điểm thảm phủ, độ ẩm, mức độ bão hòa, ngưỡng mưa sinh ra lũ quét và sạt lở đất tại nơi được quy hoạch làm khu tái định cư. Nếu không, rất dễ xảy ra tình trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”…
Thông tin chỉ sống khi có sự sẻ chia
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho biết: Theo định hướng của ngành, trong những năm tới Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ tập trung vào việc dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai, khí tượng-thủy văn.
Muốn làm tốt công việc nói trên thì những thông tin, dữ liệu nền chi tiết, cụ thể về thiên tai, thiệt hại từ thiên tai là hết sức cần thiết. Ví dụ, để cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngoài việc xác định được lượng mưa đã xuất hiện và dự báo sẽ xảy ra một cách chi tiết theo không gian, thời gian trên khu vực cụ thể thì điều quan trọng là phải xác định được các thông tin nền về điều kiện sinh ra lũ quét, sạt lở đất, địa hình, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, đặc điểm thảm phủ, độ ẩm, mức độ bão hòa, ngưỡng mưa sinh ra lũ quét và sạt lở đất, các hoạt động kinh tế - xã hội, dân sinh như giao thông, khai thác mỏ, xây dựng, phân bố dân cư…
Thực tế hiện nay, các thông tin nền cần thiết này thuộc phạm vi quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương. Cụ thể, thông tin chi tiết về lớp phủ, biến động rừng, khai thác lưu vực thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp; thông tin chi tiết về giao thông, cầu đường thuộc phạm vi quản lý của ngành giao thông; thông tin chi tiết về kinh tế, xã hội, dân sinh, phân bố dân cư thuộc phạm vi quản lý của UBND các cấp. Các thông tin này phải đảm bảo được tính cập nhật liên tục theo thời gian và chi tiết đến từng địa điểm.
Như vậy, để cảnh báo được tác động của thiên tai thì sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu của các địa phương, bộ, ngành là vô cùng cần thiết. Các địa phương, bộ, ngành cần trao đổi thông tin của mình để nhận lại các kết quả dự báo, cảnh báo tin cậy, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm sự ổn định trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia.
Theo quy định tại Điều 12 của Thông tư số 14/2018/BTNMT ngày 18/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nội dung công việc mà Tổng cục Khí tượng Thủy văn phải chịu trách nhiệm là đánh giá khối lượng, cấu trúc, định dạng của thông tin, dữ liệu và thời gian thu nhận; đánh giá tính đầy đủ của thông tin, dữ liệu; tính toán các thông số đặc trưng; đánh giá tính đầy đủ của việc cập nhật thông tin, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu; cập nhật danh mục dữ liệu vào metadata; sao lưu định kỳ một lẫn mỗi tháng; cập nhật thông tin, dữ liệu cho hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng - thủy văn quốc gia một cách kịp thời, chính xác; chia sẻ thông tin dữ liệu theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân theo các Nghị định của Chính phủ và Luât Khí tượng thủy văn./.
Trần Quang Vinh
Bài 4: Dành tuổi thanh xuân để "ngóng gió, đo nước"