Sáng 22/11, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ có buổi làm việc với các sở, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre. Qua đó, nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm ra giải pháp căn cơ trong việc xây dựng vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, đến nay, Bến Tre có 50 tổ hợp tác, 59 hợp tác xã tham gia xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Cụ thể, vùng sản xuất dừa tập trung có 32 tổ hợp tác, 28 hợp tác xã trong vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô 5.648,6 ha và 6.226 thành viên.
Tỉnh xây dựng vùng sản xuất dừa với tổng diện tích 19.411 ha (chiếm 25% diện tích dừa toàn tỉnh). Tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hơn 17.187 ha (chiếm 22,2%); trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 9.736,83 ha (đạt 102% so kế hoạch năm 2022).
Đặc biệt, địa phương xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung. Trong số đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 1.826 ha; 1 vùng sản xuất dừa uống nước với 20 ha. Hiện nay, các doanh nghiệp liên kết đang tổ chức thu mua và hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng.
Đối với bưởi da xanh, có 7 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã hình thành 19 liên kết với doanh nghiệp đầu ra với 384,12 ha. Trong số đó, đã cấp 14 vùng trồng bưởi da xanh tại Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc với 189,96 ha. Diện tích bưởi đạt chứng nhận VietGAP hiện là 330,98 ha. Riêng chôm chôm hiện có 3 hợp tác xã tham gia chuỗi khoảng 32 ha. Ngành chức năng đã cấp 25 vùng trồng chôm chôm với 151,16 ha và xây dựng tem truy xuất nguồn gốc với 95.000 tem…
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quang Đức, việc tổ chức sản xuất, liên kết của các tổ hợp tác, hợp tác xã còn yếu kém, rời rạc. Mối liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa bền vững và thực chất, chưa thể hiện rõ hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông sản (trừ trái dừa) trong chuỗi đều thuộc dạng vừa và nhỏ chưa có thị trường tiêu thụ ổn định về số lượng và chất lượng, dễ bị tác động bởi các yếu tố khác. Vì vậy, các liên kết chuỗi được hình thành nhưng duy trì chưa mang tính bền vững…
Tại hội nghị, các doanh nghiệp nêu lên những khó khăn, kiến nghị các giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chuỗi giá trị trong thời gian tới. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) Trần Văn Đức chia sẻ, hiện liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhiều lúc chưa chặt chẽ. Việc xây dựng vùng nguyên liệu thiếu tính căn cơ, sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, dẫn đến thiếu sản lượng hàng hóa lớn phục vụ thị trường xuất khẩu. Riêng chuỗi dừa phát triển chưa đồng bộ, chưa sâu, vì vậy việc hỗ trợ cho người trồng dừa còn gặp khó khăn.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, hình thức liên kết chuỗi chủ yếu được thực hiện theo hình thức nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đây là hình thức liên kết doanh nghiệp rất ủng hộ, vì vậy liên kết chuỗi cần chú trọng liên kết lâu dài, bền vững.
Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đồng hành, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm liên kết chuỗi trên diện tích từ 100-200 ha sầu riêng. Mức giá doanh nghiệp đưa ra tùy theo mùa vụ thuận và nghịch, kể cả mức giá cố định. Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho hợp tác xã và tham gia vào hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong việc quản lý, kinh doanh theo hình thức đúng vai trò là hợp tác xã.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhấn mạnh, đã đến lúc phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để không bị tụt hậu. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất hợp lý, tổ chức lại dân cư để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, cần có đánh giá đầy đủ thời cơ, thuận lợi và khó khăn để có định hướng, chỉ đạo mang tính sát thực; có giải pháp khắc phục khó khăn, về lâu dài tổ chức sản xuất theo hướng bền vững. Việc liên kết 3 nhà: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp tiếp tục củng cố, phát triển, thắt chặt để cùng nhau làm giàu, đảm bảo hài hòa về lợi ích, xây dựng niềm tin. Nhà nước tăng cường quản lý, điều tiết, kết nối, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động. Doanh nghiệp kết nối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ trì phối hợp các sở, ngành tổ chức các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh hiệu quả; tham mưu ban hành chính sách phù hợp sát với nhu cầu thực tế; đề xuất tổ chức lại cách phát triển ngành nông nghiệp, cách liên hệ giữa doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường nghiên cứu, chủ động liên hệ với cấp ủy, chính quyền để đề xuất, đóng góp trí tuệ, giải pháp hay cho tỉnh. Ngành công thương tiếp tục tham mưu giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế tập thể.
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân về Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, gắn với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân để tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, hình thành, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, cấp mã số vùng trồng; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Công Trí