Ngày 1/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản – Vai trò và nhiệm vụ của Hội Nông dân” trong khuôn khổ Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ V và Ngày hội Tam nông 2022.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hội thảo là nhịp cầu kết nối để người nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các nhà quản lý; cùng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất- kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.
Bà Vân khẳng định: Hiện liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản đang trở thành hướng đi mới, hướng tới mục tiêu thực hiện thành công số hoá nền nông nghiệp, đáp ứng xu thế nông nghiệp thế giới, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân thời hội nhập.
Tại hội thảo, các nhà khoa học nhấn mạnh: Nâng cao năng lực sản xuất, ổn định đầu ra sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị tiêu thụ nông sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, từ lâu đã trở thành vấn đề cấp bách, mang tính quyết định đối với lợi ích của từng hộ nông dân nói riêng và của ngành nông nghiệp quốc gia nói chung. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rào cản từ nhiều phía trong việc tìm chỗ đứng, ổn định trên thị trường.
Với sự phát triển vượt bậc của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đặc biệt nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, đòi hỏi cần có sự vào cuộc kịp thời, nhạy bén nắm bắt xu thế của các cấp, các ngành từ trung ương, đến địa phương. Đặc biệt là Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, với vai trò nòng cốt là nhịp cầu kết nối, hỗ trợ nông dân tăng cường các giải pháp tiêu thụ nông sản phẩm và xây dựng giá trị thương hiệu hàng nông sản Việt Nam trên thị trường.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách, giải pháp cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ đã hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Hiện sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi đã và đang đóng góp hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân ổn định cuộc sống.
Hiện cả nước có 56 tỉnh, thành đã ban hành chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hình thành 4.028 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương có nhiều chương trình dự án, phát triển ngành nông nghiệp có bước chuyển biến rõ rệt. Đến nay, đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong tất cả các ngành hàng nông, lâm, thủy sản.
Đặc biệt là mô hình chuỗi giá trị lúa gạo bền vững hợp tác giữa Tập đoàn Lộc Trời với Tập đoàn Phoenix, tạo điều kiện cho chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị lúa gạo quốc tế. Qua đó, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên toàn cầu về xuất khẩu nông sản với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng vọt từ 4,2 tỷ USD năm 2004 lên 48,6 tỷ USD năm 2021, chiếm 14,45% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Dù ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được những kết quả nhất định nhưng theo Tiến sĩ Lê Chí Phương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội thành phố Cần Thơ, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ, lẻ, manh mún, chưa được liên kết, hỗ trợ từ các hợp tác xã và doanh nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khoảng 92% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Từ đó, ngành nông nghiệp gặp khó khăn trong chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và khó cạnh tranh.
Theo Tiến sĩ Phương, việc tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay là rất cấp bách, có ý nghĩa thiết thực, giúp hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất cho hộ nông dân. Vai trò của Hội Nông dân có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, vận động nông dân chuyển biến tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là hết sức quan trọng. Từ đó, người nông dân từ coi trọng về số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận cao; từ sản xuất cá thể đơn lẻ sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất, thời gian tới Hội Nông dân cần vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tổ chức sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, khuyến cáo của ngành chức năng; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến bảo quản, chế biến, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kinh doanh... để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
“Hội cần phát huy vai trò trong thực hiện "liên kết 4 nhà", chủ động kết nối với các doanh nghiệp có uy tín để xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, giúp nông dân tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy, tăng giá trị trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ" bà Hoa đưa ra giải pháp.
Theo bà Hoa, cần hướng dẫn nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã vùng trồng; đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa... góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, từ đó đẩy mạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chính ngạch.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề nghị Nhà nước cần tập trung vào vai trò hướng dẫn, hỗ trợ thị trường, trong đó đổi mới chính sách về quy hoạch, về quyền tiếp cận đất đai của các hình thức liên kết nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp hàng hoá, quy hoạch vùng nguyên liệu với sự tham gia của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà nước xây dựng chính sách và môi trường pháp lý bảo vệ sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất - thương mại; có chính sách giúp nông dân tiêu thụ nông sản; trong đó, có chính sách trực tiếp thu mua nông sản dư thừa của nông dân, tránh tình trạng nông dân bị ép giá...
Thanh Sang