Bến Tre ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Tỉnh Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn.

vna_potal_phat_huy_vai_tro_cua_cac_hop_tac_xa_nong_nghiep_tai_ben_tre_trong_viec_tieu_thu_nong_san__6755722.jpg
Sơ chế chôm chôm xuất khẩu ở Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre Nguyễn Thanh Phương cho biết, thời gian tới, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã để đạt chỉ tiêu phát triển 75 hợp tác xã trong cả nhiệm kỳ; nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh đến thời điểm cuối năm 2025 là 225 hợp tác xã hợp tác xã (gồm 58 hợp tác xã phi nông nghiệp và 167 hợp tác xã nông nghiệp).

Bến Tre phấn đấu xây dựng hoàn thiện 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; xây dựng hoàn thiện 9 hợp tác xã mô hình nông nghiệp hiệu quả toàn diện cấp huyện; xây dựng đạt 12 mô hình hợp tác xã hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Mục tiêu của Bến Tre đến cuối năm 2025 có số hợp tác xã hoạt động hiệu quả đựợc đánh giá, xếp loại loại khá, tốt đạt tỷ lệ trên 75%; số lượng thành viên hợp tác xã tăng 5%/năm; thu nhập của thành viên hợp tác xã tăng bình quân 6%/năm. Tổng doanh thu của các hợp tác xã tăng 5%/năm, lợi nhuận tăng 5-7%/năm. Số cán bộ quản lý hợp tác xã được đào tạo nâng cao năng lực quản trị đạt tỷ lệ trên 90%; cán bộ hợp tác xã đạt trình độ sơ cấp, trung cấp tăng 5-10% mỗi năm; cán bộ hợp tác xã đạt trình độ cao đẳng, đại học tăng 5% mỗi năm...

Hiện địa phương xây dựng nhiều mô hình hợp tác xã sản xuất sạch và đạt tiêu chuẩn hữu cơ, gắn với hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, đảm bảo đồng nhất về chất lượng sản phẩm, đáp ứng với yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, góp phần phát triển nông nghiệp Bến Tre theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tích hợp đa giá trị, phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành Nguyễn Thị Thinh cho hay, đến nay hợp tác xã đã xây dựng 5 mã vùng trồng cho sầu riêng Tân Phú được công nhận, với diện tích 168 ha liên kết với doanh nghiệp. Thời gian qua, hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ của các công ty liên kết thu mua sầu riêng trong mã vùng trồng, mỗi kg xuất đi được hỗ trợ lại 200 đồng/kg. Tới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu sầu riêng OCOP 5 sao để phục vụ thị trường trong nước.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre, hiện có 191 hợp tác xã hoạt động trong 6 lĩnh vực; trong đó, có 150 hợp tác xã nông nghiệp và 1 Liên hiệp hợp tác xã Dừa hữu cơ Thạnh Phú. Đáng chú ý, trong số 150 hợp tác xã nông nghiệp, có 71 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hiện nhiều hợp tác xã thực hành mô hình nông nghiệp tốt (GAP) và sản xuất hữu cơ. Các hợp tác xã này đến nay có bước nâng lên về quy mô thành viên, quy mô vốn góp và năng lực, hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, các hợp tác xã đã tự chủ trong sản xuất kinh doanh, tổ chức tốt hoạt động liên kết giữa hợp tác xã với hợp tác xã và liên kết bền vững với doanh nghiệp, tạo được vùng sản xuất nguyên liệu nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đến cuối năm 2023 có 71,4% hợp tác xã tự đánh giá, xếp loại khá, tốt; 9 hợp tác xã đạt doanh thu 10 tỷ trở lên; 19 hợp tác xã đạt doanh thu từ 5 tỷ đồng trở lên và 12 hợp tác xã đạt doanh thu từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Hiện có 5 hợp tác xã đựợc UBND tỉnh công nhận hợp tác xã điểm của tỉnh; 24 hợp tác xã với 36 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ 40.000 tem nhãn truy xuất nguồn gốc QR Code cho 4 hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 9 hợp tác xã…

Công Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm