Nông dân huyện Thạnh Phú (Bến Tre) thu hoạch lúa hữu cơ trong ao nuôi tôm quảng canh. Ảnh: Công Trí - TTXVN |
Để đạt được chứng nhận lúa hữu cơ cho hơn 13.000 m2 đất sản xuất, bốn năm qua anh Lê Văn Miền, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú đã quen dần với cách sản xuất mới. Anh Miền cho biết, vùng đất giáp biển nơi đây người dân làm mỗi năm hai vụ (1 vụ lúa, 1 vụ tôm) theo hình thức quảng canh. Nhưng, khi chuyển qua liên kết với công ty bao tiểu sản phẩm sản xuất lúa hữu cơ hiệu quả kinh tế tăng lên rất nhiều. Giá lúa thường hiện nay từ 6.000-7.000 đồng/kg, nhưng lúa hữu cơ có giá từ 8.300-8.500 đồng/kg. Ngoài ra, sản xuất lúa hữu cơ cũng giúp cho rong, tảo phát triển làm thức ăn cho vụ tôm sau này, nhờ vậy con tôm phát triển tốt, không sử dụng các loại thuốc, thức ăn công nghiệp. Điều này giúp hạ giá thành khi nuôi tôm, từ đó lợi nhuận vụ nuôi tôm cũng tăng lên.
Nông dân huyện Thạnh Phú (Bến Tre) thu hoạch lúa hữu cơ. Ảnh: Công Trí - TTXVN |
Theo anh Lê Văn Phúc, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, khi đạt chứng nhận lúa hữu cơ hiệu quả kinh tế càng tăng cao, bên cạnh giá bán tăng thì chi phí sử dụng phân hữu cơ thấp hơn từ 40-50% so với sử dụng phân hóa học. Mặt khác, vì có đầu ra doanh nghiệp bao tiêu nên người nông dân an tâm hơn để sản xuất. Theo công ty Phân bón hữu cơ GREENFIELD (Lio Thái) - đơn vị liên kết sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Thạnh Phú, năm 2017 tổng diện tích khai thác mô hình lúa hữu cơ Lio Thái là hơn 200 ha tại 3 xã : An Nhơn, An Quy, Giao Thạnh huyện Thạnh Phú với hơn 100 hộ nông dân. Năng xuất thu hoạch trung bình hơn 5 tấn/ha. Ông Trần Anh Hòa, Chủ tịch HĐQT công ty này cho biết, khi đạt chứng nhận hữu cơ, thị trường xuất khẩu lúa hữu cơ của Bến Tre sẽ đến các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Từ đó, góp phần để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản Việt Nam và giúp cho người nông dân có thu nhập cao hơn.
Mô hình trồng lúa hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu ở huyện ven biển Thạnh Phú (Bến Tre) đang được nhân rộng, do mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Công Trí - TTXVN |
Theo ông Hòa, để đạt được chứng nhận hữu cơ thì người nông dân cùng nhà doanh nghiệp phải gắn bó lâu dài để tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với người nông dân và từ đó hình thành chuỗi giá trị cho cây lúa đạt hiệu quả hơn. Ngoài ra, khi liên kết với doanh nghiệp người dân được cung cấp giống chất lượng, hỗ trợ 50% phân bón, kỹ thuật, tập huấn cách trồng lúa....Giá thu mua lại lúa lại cao hơn từ 20-30% so với thị trường và được thu mua ở tất cả các hộ nông dân tham gia chương trình. Trong năm tới, công ty này sẽ mở rộng diện tích liên kết gấp 2 lần năm 2017. Ông Trương Thanh Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho hay, huyện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Vietgap và sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, huyện đã có hơn 6.000 ha sản xuất theo mô hình lúa-tôm; hình thành 25 tổ hợp tác sản xuất lúa, 1 hợp tác xã lúa sạch Thạnh Phú. Trong năm 2017, năng suất lúa toàn huyện trung bình 4,5 tấn/ha, sản xuất theo hướng hữu cơ cao hơn 15% năng suất, ngoài ra giá thành lúa sản xuất hữu cơ tăng cao. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn, chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân để sản xuất theo quy trình hữu cơ trên toàn huyện. Đồng thời, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp, từng bước hình thành chuỗi giá trị lúa hữu cơ tại huyện Thạnh Phú.
Huỳnh Phúc Hậu