Bình nằm ở vị trí giao thoa của nhiều vùng địa chất, khí hậu và văn hóa, thế kỷ X là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt. Điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội đã cho vùng đất này cơ hội sở hữu khối lượng di sản văn hóa phong phú, đa dạng trong đó có các di tích khảo cổ cung cấp dữ liệu khoa học lịch sử quan trọng về quá trình hình thành, phát triển tự nhiên, xã hội của Ninh Bình từ thời tiền sơ sử cách ngày nay hàng vạn năm đến các giai đoạn lịch sử cách mạng. Nhận thức sâu sắc về giá trị các di tích khảo cổ, những năm qua, Ninh Bình dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nghiên cứu khảo cổ học, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ.
Thành tựu nổi bật trong nghiên cứu di tích khảo cổ học
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, việc nghiên cứu khảo cổ học ở địa phương bắt đầu từ những năm 60-70 của thế kỷ XX với các cuộc khảo sát của cơ quan nghiên cứu Trung ương như Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… tại khu vực Cố đô Hoa Lư. Từ đó đến nay, việc nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nhận thức rõ ràng hơn về lịch sử vùng đất Ninh Bình trong suốt chiều dài lịch sử.
Nhiều loại hình di tích được phát hiện và thám sát, khai quật như: Di tích hang động cổ sinh có niên đại hàng chục vạn năm, các di tích cổ nhân, di chỉ cư trú hang động, mái đá tại khu vực sơn khối đá vôi vùng Tam Điệp, Tràng An - Hoa Lư, Cúc Phương, Nho Quan…di chỉ cư trú - mộ táng ngoài trời thuộc văn hóa Đông Sơn, di tích mộ gạch thời kỳ Bắc thuộc, dấu tích kinh đô Hoa Lư cổ (thành quách, nền móng đền đài, cung điện) thế kỷ X… Kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực Tràng An đóng góp đáng kể vào xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Di sản thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An năm 2014. Đặc biệt, những phát hiện quan trọng tại Cố đô Hoa Lư những năm gần đây góp phần xác định đây là khu di tích lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử - văn hóa của dân tộc, giữ vai trò trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của Nhà nước mở đầu thời kỳ độc lập và tự chủ.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư, giảng viên Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, tài nguyên di sản khảo cổ học ở Ninh Bình chứa đựng cả những giá trị quá khứ, giá trị hiện hành và tương lai. Di sản khảo cổ học ở Ninh Bình phong phú, đa dạng phản ánh diễn trình lịch sử và văn hóa của nhiều cộng đồng người theo thời gian, không gian. Bên cạnh di tích khảo cổ được phát hiện, thám sát, khai quật có giá trị lớn, năm 2007, các cuộc nghiên cứu khảo cổ học tại Quần thể danh thắng Tràng An được khởi động, kéo dài 8 năm, góp thêm nhiều tư liệu quý về sự xuất hiện, cư trú của con người thời tiền sử ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở đây là cơ sở để khẳng định Quần thể Danh thắng Tràng An "là một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Ðông - Nam Á trải qua hơn 30.000 năm phát triển, là nơi có giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người; là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Ðông - Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu mà không bị ảnh hưởng lớn bởi con người và các tác nhân khác".
Kết quả trên cùng các giá trị về vẻ đẹp thẩm mỹ và lịch sử, văn hóa khác đã đủ điều kiện để Tràng An được UNESCO vinh danh là di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông - Nam Á. Việc Tràng An trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo Ninh Bình, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn đông đảo nhân dân, du khách trong nước, quốc tế, tác động không nhỏ làm chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế của Ninh Bình theo hướng gia tăng giá trị ngành Du lịch, dịch vụ.
Theo bà Nguyễn Anh Thư, di sản khảo cổ học ở Ninh Bình có nhiều giá trị khác nhau từ lịch sử, văn hóa, xã hội, đến kinh tế, vật chất... Vì vậy đã đến lúc phải có một chiến lược để di sản khảo cổ học có thể phát huy hiệu quả như tài nguyên đặc biệt, vô giá, lượng định giá trị của di sản khảo cổ một cách khoa học, khách quan, chính xác để có chiến lược và phương thức bảo tồn, phát huy một cách bền vững.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học
Hiện nay, Ninh Bình có gần 450 di sản văn hóa phi vật thể thuộc đủ các loại hình, trong đó có 1 di sản thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt. Trong số 1.821 di tích của tỉnh, có 388 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, 5 bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; có 68 di tích khảo cổ được phát hiện, cung cấp dữ liệu khoa học lịch sử quan trọng về quá trình hình thành, phát triển tự nhiên, xã hội của Ninh Bình từ thời tiền sơ sử, cách ngày nay hàng vạn năm, đến các giai đoạn cách mạng trong lịch sử hiện đại.
Bà Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, những kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ ở địa phương đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và đông đảo công chúng, đóng góp thêm dữ liệu lịch sử cho hoạt động giáo dục, làm sáng rõ quá trình hình thành, phát triển tự nhiên, xã hội ở Ninh Bình.
Những kết quả này đồng thời tạo cơ hội để Ninh Bình xây dựng thêm sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị, phục vụ đa dạng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của nhân dân và du khách. Từ nhận thức sâu sắc vấn đề này, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu, đề xuất triển khai nhiều chương trình, dự án mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ, đáp ứng yêu cầu vừa bảo toàn tính nguyên vẹn của các di tích khảo cổ để phục vụ nghiên cứu, học tập vừa trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho nhân dân, du khách.
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục tổ chức nghiên cứu, điều tra, thăm dò khảo cổ học tại các di tích khảo cổ để quản lý, bảo vệ, triển khai lập quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh; thực hiện dự án nghiên cứu làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa ở Khu di tích Cố đô Hoa Lư trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo cổ đạt được, đặc biệt là kết quả trong 2 năm vừa qua, hướng tới xây dựng Công viên Di sản khảo cổ - lịch sử - văn hóa tại khu vực này, đồng thời nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại để tái hiện kinh đô Hoa Lư xưa, phục vụ yêu cầu giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu du lịch, giải trí, tham quan, học hỏi của nhân dân và du khách trong nước, quốc tế.
Sở xây dựng kế hoạch nghiên cứu, làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư, thực hiện biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học tại xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tiến tới đưa di tích này vào danh mục sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo cơ hội cho sự phát triển toàn diện, đồng đều về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng, miền trong tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực quản lý di sản văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; huy động nguồn lực xã hội để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số về di sản văn hóa, chú trọng tổ chức trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc từ kết quả nghiên cứu khảo cổ nhằm giới thiệu tới du khách, cộng đồng về lịch sử, văn hóa Ninh Bình.
Sở thực hiện chương trình khảo cổ học cộng đồng để đông đảo người dân Ninh Bình hiểu biết hơn về lịch sử vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên từ đó cùng tham gia giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hải Yến