Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có gần 500 di tích đã được xếp hạng. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần trong nhân dân và giữ gìn giá trị văn hóa.

Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ảnh 1Dâng lễ tại Đền Thõng Tây Thiên. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Vĩnh Phúc là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, còn lưu giữ được nhiều di tích, di chỉ khảo cổ, hiện vật, lễ hội như: Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, tháp Bình Sơn, danh thắng Tây Thiên, đình Thổ Tang, nghệ thuật hát trống quân Đức Bác, hát ca trù, hát Soọng cô của người Sán Dìu, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, các lễ hội truyền thống xã Đại Đồng, kéo song Hương Canh, đền Ngự Dội. Vĩnh Phúc có 7 di sản được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh còn có nhiều bảo vật, trong đó Tháp gốm men chùa Trò đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2018…

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều đề án, chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện kiểm kê số lượng, hệ thống hiện vật tại di tích, hiện trạng đất đai, công tác bảo vệ di tích của các địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành rà soát, triển khai các hoạt động bảo tồn, khai thác và tu bổ, chống xuống cấp các di tích, danh thắng tiêu biểu; công bố danh mục di tích và cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ các khu vực di tích đã xếp hạng trên địa bàn; lập bản đồ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu…

Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý di tích, quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và người trực tiếp trông coi di tích. Công tác tuyên truyền được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm sưu tầm, nghiên cứu phục dựng các trò diễn truyền thống; truyền dạy, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ; kế thừa, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng làng xã trong các lễ hội dân gian; hướng dẫn, tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xét tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và công nhận các loại hình di sản văn hóa...

Tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường đầu tư, phát triển du lịch gắn với bảo quản, khai thác và tu bổ, chống xuống cấp các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chú trọng.

Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện chống xuống cấp ba di tích xếp hạng quốc gia gồm: một hạng mục thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Khánh trong Di tích tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô; đình Đông, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường; đình Đại Phúc, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã đầu tư hơn 301,5 tỷ đồng thực hiện đầu tư tu bổ, hỗ trợ chống xuống cấp di tích, bảo quản, tu bổ, phát huy giá trị đối với 72 di tích.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng phương án bảo quản, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Vĩnh Phúc xây dựng Đề án Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán - Nôm tại Thư viện tỉnh. Cùng với đó, tỉnh vinh danh 25 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú thuộc các loại hình trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng; hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Câu lạc bộ dân ca tiêu biểu giai đoạn 2021-2025, qua đó tiếp thêm động lực để các nghệ nhân, câu lạc bộ cống hiến cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm