Bạc Liêu phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, đứng vào top khá trong khu vực

Bạc Liêu phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, đứng vào top khá trong khu vực
Ông Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu
Ông Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu

* Phóng viên: Xin ông cho biết khái quát những thành tựu đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh?
Ngư dân cửa biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải được mùa cá biển. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
Ngư dân cửa biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải được mùa cá biển.  Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
*Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Khái: Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, những ai quan tâm đến Bạc Liêu không khỏi bồi hồi, xúc động và phấn khởi, tự hào trước những thành tựu của tỉnh ngày nay. Khi mới tái lập, Bạc Liêu trong tình trạng hết sức khó khăn, điểm xuất phát về kinh tế, xã hội của tỉnh rất thấp và lạc hậu trên nhiều lĩnh vực. Là tỉnh có vị trí cách xa các trung tâm kinh tế lớn nên điều kiện thu hút đầu tư, giao thương khó khăn, nền kinh tế thuần nông, sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, thương mại, dịch vụ kém phát triển, kết cấu hạ tầng cả nông thôn lẫn thành thị đều yếu kém, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thu nhập bình quân đầu người thấp (GDP bình quân đầu người năm 1997 chỉ đạt khoảng 2,4 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo cao (28,9% theo tiêu chí cũ), hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội không đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, chưa tròn một năm sau ngày tái lập, tháng 11 năm 1997, tỉnh Bạc Liêu bị cơn bão số 5 tàn phá gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vùng trong tỉnh. Trước những khó khăn chồng chất, Đảng bộ tỉnh đã có nhiều chủ trương đúng đắn, toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bạc Liêu đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực, từng bước đưa tỉnh nhà vươn lên phát triển cùng với các tỉnh, thành khác trong khu vực và cả nước. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Hệ thống tổ chức cơ sở đảng phát triển nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tỉnh đã phát huy tốt hơn vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Tổ chức cơ sở đảng tăng từ 217 (năm 1997) đến nay nâng lên 342. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh từ 8,66% tăng lên 47,95%. Hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền được nâng lên. Hội đồng nhân dân các cấp được kiện toàn tổ chức, hoạt động nề nếp và tập trung thực hiện tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.   Ủy ban nhân dân các cấp làm tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; kịp thời cụ thể hóa và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Qua 20 năm nỗ lực phấn đấu, thành tựu kinh tế - xã hội của Bạc Liêu đã phát triển khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng khá cao bình quân 12,36% (theo giá cố định năm 1994). Nếu so năm mới tái lập tỉnh với kết quả năm 2016 thì: Tổng sản phẩm đạt 23.000 tỷ đồng tăng gấp 10 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; trong đó, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đạt 44,5% (năm 1997 là 57,08%); GRDP bình quân đầu người đạt 33,2 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 8 lần; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 20.000 tỷ đồng, tăng gấp 50 lần; tổng thu ngân sách đạt 2.162 tỷ đồng, tăng 14,7 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD, tăng 8 lần … Từng ngành, từng lĩnh vực đã đạt những thành tựu quan trọng. Sản lượng lúa đạt hơn 1 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 304.000 tấn (năm 1997 là 50.000 tấn). Hiện nay, Bạc Liêu có 9 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 14 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, đã có 38/49 xã có đường ôtô đến trung tâm xã và 100% ấp có đường giao thông nông thôn ấp liền ấp … Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư đã đạt được kết quả đáng kể, nhất là 5 năm gần đây. Các dự án động lực tiếp tục được đầu tư, mở rộng và phát huy hiệu quả: Dự án điện gió đã hoàn thành 62 turbine, tổng công suất 99,2 MW; Nhà máy Bia Sài Gòn - Bạc Liêu nộp ngân sách tỉnh gần 300 tỷ đồng/năm; Nhà máy Chế biến gạo xuất khẩu Vĩnh Lộc - Hồng Dân với công suất 200.000 tấn/năm gắn với mô hình cánh đồng mẫu lớn và bao tiêu sản phẩm. Các nhà máy da giầy, bao bì, may mặc xuất khẩu … đã góp phần thu hút lao động, tăng nguồn thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế và tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Du lịch đã có sự phát triển đáng kể, nhiều dự án phát triển du lịch đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và thu hút đông đảo du khách như: Đền thờ Bác Hồ, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Cụm danh thắng Quảng trường Hùng Vương, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Khu Quán âm Phật Đài, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu.... Đặc biệt, Bạc Liêu là một trong 5 địa phương trọng điểm về du lịch của vùng; có 8 sản phẩm được là Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, chiếm gần 1/3 sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng. Từ năm 2014 đến nay, lượng khách du lịch mỗi năm đến Bạc Liêu đạt hơn 1 triệu khách, tăng 20 lần so với năm 1997, riêng năm  2015 và 2016 đón từ 1,1- 1,2 triệu lượt khách, trong đó có 35 nghìn lượt khách quốc tế, tổng giá trị dịch vụ du lịch trong GRDP đạt 380 tỷ đồng (năm 1997 là 7,8 tỷ đồng), góp phần tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ: Toàn tỉnh hiện có 45% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 67,9% phòng học đạt chuẩn cấp III; chất lượng giáo dục đào tạo từng bước được nâng lên. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được cải thiện; mạng lưới y tế cơ sở đã phát triển hơn, có 68,7% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác lao động, việc làm và đào tạo nghề đạt nhiều kết quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2015 còn 2,88% (năm 1997 gần 29%). Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên. Hoạt động thể dục - thể thao có nhiều tiến bộ, thể thao thành tích cao đạt nhiều huy chương cấp quốc gia và quốc tế… Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đưa thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại II và huyện Giá Rai trở thành thị xã. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng được củng cố. Công tác phòng, chống tham nhũng; giải quyết yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả… 
Nông dân huyện Giá Rai thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
Nông dân huyện Giá Rai thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
* Phóng viên: Với kết quả đạt được, theo ông, vai trò của Đảng trong lãnh, chỉ đạo, thực hiện như thế nào?
 
*Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Khái: Đạt được những kết quả nêu trên, có thể khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng là rất quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Trải qua bốn nhiệm kỳ đại hội đảng bộ tỉnh, trong mỗi nhiệm kỳ, đều có những thuận lợi và khó khăn, song Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn, xác định hướng đi đúng và những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cũng như tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả những vấn đề đã xác định; điều đó có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của tỉnh. Trong bối cảnh của một tỉnh nghèo mới tái lập, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (đại hội đầu tiên khi tái lập tỉnh) đã đưa ra xác định: Tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và các biện pháp cấp bách, trước mắt để vượt qua khó khăn. Mặc dù, có rất nhiều khó khăn nhưng Tỉnh ủy vẫn quyết định tập trung đầu tư lo cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, mà trước nhất là làm giao thông nông thôn, xóa nhà ở lụp xụp trong dân, xóa lớp học 3 ca và trường lớp học bằng cây lá, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho gia đình chính sách…. là những lĩnh vực được ưu tiên chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chủ trương đúng đắn này đã được sự đồng thuận của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhờ đó, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh có sự chuyển biến bước đầu. Đời sống của nhân dân, gia đình chính sách được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đây là giai đoạn mà các chủ trương, định hướng của tỉnh đã có những bước tiến mới quan trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiều đổi mới, cùng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, sự đồng tâm hiệp lực của đảng bộ và quân dân trong tỉnh đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành; huy động mọi nguồn lực, phát huy triệt để nội lực, thu hút tối đa ngoại lực, để phát triển tỉnh nhà. Ngoài ra, Tỉnh ủy Bạc Liêu còn thường xuyên kiểm tra, sơ, tổng kết để kịp thời uốn nắn, có giải pháp chỉ đạo đẩy nhanh việc thực hiện những vấn đề quan trọng, bức xúc và khắc phục những trì trệ, yếu kém. Chính từ việc xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong 20 năm qua đã tạo ra những thành tựu quan trọng như hôm nay.  
Khách đến tận vườn chọn mua hoa Tết ở phường 7, thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu). Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm - TTXVN
Khách đến tận vườn chọn mua hoa Tết ở phường 7, thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu). Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm - TTXVN

*Phóng viên: Con người có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, vậy Bạc Liêu quy hoạch nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
* Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Khái: Xác định nguồn nhân lực là nội dung trọng tâm và là chiến lược lâu dài để xây dựng và phát triển quê hương Bạc Liêu. Thời gian qua, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 15-CTr/TU, ngày 16/10/2006 về đ ào tạo nguồn nhân lực đến năm 2010 và những năm tiếp theo;  Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 31/12/2012 về tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị. Từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh có gần 11.000 cán bộ, công chức, viên chức các cấp được cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị theo chức danh quy hoạch, đào tạo. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức các cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện tại. Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, phải pháp chủ yếu về quy hoạch nguồn nhân lực, như sau: Xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và Kết luận số 37-KL/TW, ngày 02/02/2009 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh làm cơ sở cho việc đề bạt, bổ nhiệm; nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện thí điểm đề án nhất thể hóa một số tổ chức, chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã, huyện, tỉnh,… Cụ thể hóa các giải pháp, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 24-KL/TW, của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; quy hoạch và bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm 3 độ tuổi; cán bộ lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương; thông qua việc luân chuyển, bố trí cán bộ ở những địa bàn, lĩnh vực khó khăn để phát hiện người tài nhằm đào tạo, thử thách; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, phẩm chất và uy tín của đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng; chú trọng bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới; nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm công tác tổ chức xây dựng Đảng ở trong và ngoài tỉnh. Tỉnh thường xuyên chăm lo, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần chính đáng của đội ngũ cán bộ. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng khuyến khích người tài, người dám nghĩ, dám làm, những cá nhân, tập thể có sản phẩm tốt trong công việc, những đồng chí trung thực, bản lĩnh, dám đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu chăm sóc rau màu để kịp thu hoạch bán trong dịp Tết. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu chăm sóc rau màu để kịp thu hoạch bán trong dịp Tết. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

* Phóng viên: Để Bạc Liêu trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá trong khu vực, địa phương lựa chọn lĩnh vực, khâu đột phá gì trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo, thưa ông?
*  Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Khái: Những thành tựu đạt được 20 năm qua sẽ tạo ra cho tỉnh Bạc Liêu thế và lực mới làm nền tảng cho tỉnh nhà phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, đối với một tỉnh xa trung tâm, điều kiện giao thông không thuận lợi, cùng với những diễn biến phức tạp về dịch bệnh và tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ là những khó khăn, thách thức rất lớn. Trước những khó khăn, thách thức đó, đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu phải tiếp tục đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững hơn. Tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng. Trước mắt, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện thành công Đề án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ; phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và trở thành trung tâm du lịch của vùng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, tỉnh quan tâm xây dựng khối đoàn kết nội bộ, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra... Với nền tảng truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa của quê hương và những thành tựu đã đạt được từ 20 năm qua; cùng với cùng với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh sẽ phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững đứng vào top khá của khu vực và top trung bình khá của cả nước đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần XV đã đề ra./.* Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu thu hoạch rau để bán Tết. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu thu hoạch rau để bán Tết. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu thu hoạch rau để bán Tết. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu thu hoạch rau để bán Tết. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Các tua bin điện gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
Các tua bin điện gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
TTXVN

Có thể bạn quan tâm