Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Vi Thanh Quyền cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Theo đó, tỉnh sẽ huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hỗ trợ nhân dân xây dựng 148 ngầm tràn, đường tránh lũ, cầu qua suối vào các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Tỉnh xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hệ thống kênh mương tưới tiêu, công trình nước sạch sinh hoạt tập trung, đáp ứng cơ bản nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Tỉnh tập trung hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, bảo đảm công tác định canh, định cư và giảm nghèo bền vững cho người dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, tỉnh tập trung cho vay tín dụng và hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thương mại, dịch vụ và du lịch… theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển vùng nguyên liệu, chế biến thức ăn và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, tỉnh kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác khoáng sản, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên khi triển khai các dự án ở vùng dân tộc.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng; du lịch lịch sử - văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương ở vùng dân tộc thiểu số.
Tỉnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực và tác phong kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện tại và lâu dài; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động là người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục, củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và hướng nghiệp dạy nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh; kết hợp chặt chẽ việc đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, quản lý, sắp xếp sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số…
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, với gần 26 vạn người dân tộc thiểu số, 45 thành phần dân tộc đang sinh sống, trong đó có 7 thành phần dân tộc thiểu số chủ yếu là Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Sán Chí, Dao. Toàn tỉnh có 188 xã miền núi, trong đó có 58 xã thuộc khu vực I; 90 xã khu vực II và 40 xã khu vực III, với 407 thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bắc Giang đã dành nguồn lực đáng kể đầu tư hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có diện mạo ngày càng đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc của tỉnh giảm bình quân 5,2%/năm, hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 7,2%/năm.
Tính riêng trong năm 2020, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội vùng dân tộc được tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số của tỉnh giảm trên 5%. Bên cạnh đó, việc tổ chức, thực hiện các chính sách dân tộc của tỉnh đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang được giao chủ trì quản lý, chỉ đạo tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, trực tiếp làm chủ đầu tư tiểu dự án nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở; thực hiện 4 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Chương trình 135 triển khai trên địa bàn tỉnh có tổng vốn được phân bổ trên 90 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2020 khối lượng thực hiện ước đạt 90 tỷ đồng, giải ngân 80,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh phân bổ 18 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 12 công trình giao thông, thủy lợi tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ cho các thôn bản đặc biệt khó khăn. Tỉnh thực hiện giải ngân trên 2,5 tỷ đồng theo Quyết định 2085/QĐ-TTg để hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho 814 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất trên địa bàn.
Việt Hùng