Bắc Giang hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung

Bắc Giang đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng. Ảnh: baobacgiang.com.vn
Bắc Giang đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng. Ảnh: baobacgiang.com.vn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 6%/năm từ nay đến năm 2030. Diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 sẽ đạt trên 10.000 ha, đến năm 2030 đạt trên 15.000 ha. Tỉnh tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp; trong đó, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao; phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 3.500 tỷ đồng vào năm 2025 và 5.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Bắc Giang hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung ảnh 1Bắc Giang đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng. Ảnh: baobacgiang.com.vn

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản. Đồng thời, tạo cơ chế huy động các nguồn đầu tư, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, Bắc Giang chú trọng phát triển các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác, kinh tế chia sẻ trong lâm nghiệp; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức doanh nghiệp, công ty lâm nghiệp; phát triển lâm nghiệp hợp tác xã, trang trại, cộng đồng thôn bản và hộ gia đình tham gia sản xuất lâm nghiệp.

Bắc Giang sẽ thực hiện tốt cơ cấu 3 loại rừng theo Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là diện tích trên 55.000 ha rừng tự nhiên; bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng tự nhiên là rừng đặc dụng, phòng hộ; đồng thời, ổn định vùng rừng nguyên liệu tập trung khoảng 80 nghìn ha (chiếm 74% tổng diện tích đất rừng sản xuất).

Ngoài ra, Bắc Giang đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; trồng mới, chuyển hóa diện tích rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, đưa diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế đến năm 2025 đạt khoảng 17.000 ha. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 năng suất rừng trồng bình quân đạt từ 22m3/ha/năm trở lên; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,0 triệu m3; trong đó, 40% sản lượng gỗ khai thác rừng trồng được đưa vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu…

Để triển khai Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022, đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã dần hình thành các vùng rừng trồng tập trung gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả và thu nhập cho người trồng rừng. Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Bắc Giang đã chuyển hướng mạnh từ lâm nghiệp truyền thống sang phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và đang giữ vai trò lớn trong phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tỉnh Bắc Giang đã tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ diện tích trên 160.000 ha rừng hiện có, đặc biệt là diện tích trên 55.000 ha rừng tự nhiên; bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng tự nhiên là rừng đặc dụng, phòng hộ. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã trồng được 27.155 ha rừng trồng tập trung với mức bình quân mỗi năm đạt trên 9.000 ha và trên 18,5 triệu cây phân tán các loại. Diện tích trồng rừng thâm canh gỗ lớn đến năm 2023 đạt 11.460 ha.

Tỉnh Bắc Giang đã từng bước áp dụng các biện pháp thâm canh rừng, cơ giới hóa khâu cuốc hố, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô và giâm hom vào trồng rừng, như các giống bạch đàn DH32-29, AH1, UP54, PNCT3, PN108; các giống keo lai BV10, BV33, BV73..., góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng đạt từ 20-22 m3/ha/năm với chu kỳ trồng từ 5-7 năm.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, phục vụ cho công nghiệp chế biến với tổng diện tích khoảng trên 80.000 ha rừng trồng sản xuất, sản lượng gỗ khai thác rừng trồng bình quân đạt khoảng 1 triệu m3 gỗ/năm; từng bước phát triển chế biến tinh, sâu, giảm dần chế biến thô hay còn gọi là băm dăm, bóc ván....

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm