Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng bưởi trên địa bàn xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ – vùng trồng bưởi lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bước vào sản xuất vụ bưởi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2023. Hầu hết, các nhà vườn năm nay đều giảm mạnh diện tích để chú trọng đến chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm.
Vụ bưởi Tết, người trồng bưởi sẽ tiến hành ngắt nước cho cây từ khoảng cuối tháng 4 âm lịch, sau 15 ngày sẽ tiến hành tưới nước trở lại để cây bưởi bung hoa kết trái với thời gian nuôi trái khoảng 8 tháng thì sẽ cho thu hoạch. Đây cũng là vụ thu hoạch có giá bán khá tốt trong năm của người trồng bưởi. Vậy nên, các nhà vườn sẽ tập trung chăm sóc và xử lý ra hoa cho vụ này.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ hiện đang có 1,2 ha diện tích trồng bưởi da xanh. Đến nay, vụ bưởi Tết của gia đình anh đã đậu trái non chuẩn bị cho vụ bưởi Tết. Vụ bưởi Tết năm trước, anh làm tất cả diện tích đang có còn năm nay anh chỉ xử lý 0,5 ha.
Theo anh Tuấn, lý do gia đình anh giảm mạnh diện tích bưởi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán là do giá phân bón, thuốc... đều tăng cao. Cùng đó, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên năng suất bưởi ở vùng trồng tại các tỉnh phía Nam khá trúng nên anh lo lắng sản lượng tăng cao sẽ khó tiêu thụ.
Gia đình anh Hồ Hoàng Kha, ấp Vĩnh Bình, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ có trên 10 ha trồng bưởi. Vụ bưởi Tết vừa qua anh xử lý ra hoa cho 6 ha và đạt sản lượng 200 tấn bưởi Tết, đem về thu nhập trên 4 tỷ đồng. Thế nhưng, năm nay gia đình anh Kha chỉ xử lý 3 ha bưởi phục vụ vụ Tết.
Theo anh Kha, mặc dù vụ bưởi Tết vừa qua cho gia đình anh thu nhập cao nhưng vụ bưởi Tết sắp tới này anh lại khá lo lắng về đầu ra và giá cả. Chính vì vậy, năm nay anh quyết định giảm diện tích và chú trọng chăm sóc để nâng cao chất lượng, cho ra những trái có mẫu mã đẹp dễ bán trong dịp Tết Nguyên đán. Với hướng đi này, anh mong muốn vụ bưởi cuối năm sẽ được giá và dễ dàng tiêu thụ.
Điều khiến anh Kha và người trồng bưởi tại vùng Sông Xoài lo lắng thêm là hiện nay rệp vảy ốc vẫn đang tấn công trên cây mà chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. "Thời tiết mưa xuống thì rệp có vẻ đỡ nhưng khi trời nắng lên thì loại rệp này lại sinh sôi và gây hại với tốc độ chóng mặt, khiến các nhà vườn trồng bưởi không còn mạnh dạn duy trì diện tích bưởi Tết như mọi năm”, anh Kha lo lắng chia sẻ thêm.
Đến thời điểm này, các vườn bưởi đã bước vào sản xuất vụ bưởi Tết khoảng được 1 tháng. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo Hội Nông dân xã Sông Xoài, hầu hết các nhà vườn đều giảm mạnh khoảng 50% diện tích sản xuất vụ Tết so với năm ngoái.
Trước tình hình giá phân bón vô cơ ngày càng tăng cao, chủ các vườn bưởi tại xã Sông Xoài đang dần hướng tới sản xuất hữu cơ để giảm chi phí về phân, thuốc... Giảm chi phí đầu tư cho cây bưởi nhưng lại nâng cao được chất lượng cho trái để đầu ra dễ dàng hơn và hướng tới xuất khẩu.
Hợp tác xã trồng bưởi da xanh Sông Xoài hiện trồng 200 ha; trong đó, có khoảng 100 ha đang dần chuyển qua sản xuất hữu cơ vi sinh hướng tới nâng cao chất lượng trái để đảm bảo an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Hoàng Nhị