Bà Rịa - Vũng Tàu bố trí nguồn lực hợp lý để giảm nghèo bền vững

Nhờ các chính sách giảm nghèo đồng bộ và đa dạng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên công tác giảm nghèo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, bền vững. Tính đến nay, tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn quốc gia.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_no_luc_trien_khai_cac_chinh_sach_de_giam_ngheo_ben_vung_7667544.jpg
Mô hình hỗ trợ con giống giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang được nhân rộng, giúp các hộ nghèo có động lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội

Đầu năm 2024, tổng số hộ nghèo đa chiều theo chuẩn của tỉnh là 1.138 hộ chiếm 0,35% so với tổng số hộ dân. Trong số hộ nghèo hiện nay, có 351 hộ có khả năng thoát nghèo trong năm 2024. Các huyện Côn Đảo và Châu Đức không còn hộ nghèo.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng những chính sách hỗ trợ vượt trội, chú trọng tới việc tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo và từng bước tạo dựng cuộc sống ấm no, ổn định kinh tế, tránh tình trạng tái nghèo.

Theo đó, giai đoạn 2022-2025, Bà Rịa – Vũng Tàu đã nâng mức chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập của tỉnh cao hơn 1,3 lần mức chuẩn nghèo mới theo tiêu chí thu nhập của Chính phủ quy định, nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Ngoài việc thực hiện chính sách chung của Trung ương, tỉnh bố trí nguồn lực hợp lý, trọng điểm để thực hiện các chính sách dành cho hộ cận nghèo chuẩn quốc gia, hộ chuẩn nghèo của tỉnh.

Tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo...

vna_potal_ba_ria-vung_tau_no_luc_trien_khai_cac_chinh_sach_de_giam_ngheo_ben_vung_7667545.jpg
Từ nguồn vốn được vay, bà Nguyễn Thị Nga tại ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc phát triển chăn nuôi, cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Vợ chồng chị Nguyễn Lê Thu Hiền, ở thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) trước đây không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh. Được sự hỗ trợ của địa phương, gia đình vừa được vay vốn 15 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để kinh doanh buôn bán. Chồng chị cũng được địa phương giới thiệu việc làm ổn định. Nhờ đó mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập được khoảng 13-15 triệu đồng. Ngoài ra, ba con của anh, chị đi học đều được miễn học phí và được hỗ trợ chi phí học tập.

Chị Hiền chia sẻ, nhờ chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ gia đình tiếp cận nguồn vốn để có cơ sở làm ăn mà cuộc sống khá hơn, tạo động lực vươn lên thoát nghèo.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, các chính sách giảm nghèo; đặc biệt là các chính sách giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo đã được triển khai đồng bộ, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể liên quan.

Châu Đức là một trong 2 địa phương không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia lẫn chuẩn của tỉnh. Việc triển khai các giải pháp để tránh tái nghèo được huyện đặc biệt quan tâm, trong đó chống tái nghèo bằng cách tạo sinh kế cho người dân được coi là giải pháp bền vững, hiệu quả nhất. Huyện cũng tập trung huy động các nguồn lực xã hội để có thêm tiềm lực cho các hộ mới thoát nghèo.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_no_luc_trien_khai_cac_chinh_sach_de_giam_ngheo_ben_vung_7667565.jpg
Cơ quan chức năng giải ngân vốn hỗ trợ nông dân nghèo phát triển sản xuất. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Sau khi thoát nghèo được hơn 1 năm, kinh tế gia đình chị Dương Thị Thánh, ngụ xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đã vững vàng hơn hẳn. Đàn dê 7 con do địa phương hỗ trợ từ năm 2022 đến nay đã tăng lên gấp đôi. Chị Thánh cũng được giới thiệu việc làm tại một xưởng sản xuất ở địa phương với mức thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, còn chồng chị vừa làm lao động tự do, vừa tranh thủ tăng gia sản xuất tại nhà.

"Gia đình tôi nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng với ý chí quyết tâm thoát nghèo của 2 vợ chồng nên đến nay kinh tế gia đình cũng dần ổn định và thoát nghèo bền vững", chị Thánh chia sẻ.

Huyện Châu Đức còn thường xuyên kết nối nhà hảo tâm bảo trợ thường xuyên cho những gia đình khó khăn, không có nguồn lực về lao động; đồng thời, rà soát con em trong các gia đình mới thoát nghèo, gia đình khó khăn để có giải pháp hỗ trợ, không để các em phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn.

Em Nguyễn Thị Thu Thảo, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức chia sẻ: “Tuy gia đình em đã thoát nghèo, nhưng đến nay em vẫn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ địa phương, được nhận học bổng để có điều kiện tiếp tục tới trường”.

Với mục tiêu giữ vững kết quả giảm nghèo, huyện Châu Đức tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, huy động, lồng ghép nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; coi phong trào thi đua là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, ngành.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_no_luc_trien_khai_cac_chinh_sach_de_giam_ngheo_ben_vung_7667554.jpg
UBMTTQ Việt Nam xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các hộ khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Triển khai đồng bộ giải pháp

Năm 2024, thành phố Vũng Tàu đặt mục tiêu tiếp tục duy trì không có hộ nghèo chuẩn quốc gia, tỉ lệ hộ nghèo chuẩn tỉnh giảm còn 0,11%; tiếp tục hỗ trợ để các hộ mới thoát nghèo có kinh tế ổn định, bền vững. Do vậy, thành phố tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đảm bảo thực hiện mục tiêu. Về chính sách tín dụng, 100% hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; 100% hộ nghèo có nhu cầu sẽ được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm…

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cho biết, địa phương triển khai các nhóm giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông; dành nguồn lực ngân sách cho đầu tư công tác giảm nghèo và công tác an sinh xã hội... Cùng với đó, thành phố triển khai công tác giảm nghèo bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể với các mô hình thiết thực tạo việc làm; chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các hộ nghèo, hộ khó khăn để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong năm 2024, tổng nguồn vốn đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 165 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn trung ương là 40,8 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương là hơn 111 tỷ đồng, nguồn vốn huy động là hơn 13 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2024, các địa phương đã xét duyệt cho 122 hộ nghèo và hộ thoát nghèo vay với số tiền hơn 5,9 tỷ đồng; cấp 16.382 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền gần 4 tỷ đồng; trợ cấp Tết cho 13.923 lượt hộ nghèo và hộ thoát nghèo với số tiền hơn 11 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện và nguồn vận động; hỗ trợ tiền điện cho 1.138 hộ nghèo với số tiền 335 triệu đồng... Tỉnh dự kiến đến cuối năm 2024 tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giảm còn 0,26%.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm