Ninh Thuận nỗ lực giải ngân hết nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vào cuối năm

Một trong những mục tiêu mà tỉnh Ninh Thuận đặt ra đến cuối năm 2024 là phấn đấu giải ngân hết 100% nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Để đạt kết quả trên, tỉnh đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan; qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai nguồn vốn được giao để thực hiện các tiểu dự án thuộc chương trình.

vna_potal_nha_dam_ninh_thuan_hut_hang_mua_nang_nong_7361444.jpg
Vùng trồng nha đam tập trung tại phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ năm 2024 của địa phương là hơn 192,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là hơn 66,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 126 tỷ đồng (bao gồm vốn đối ứng ngân sách địa phương). Vốn đầu tư phát triển năm 2023 chuyển sang là 23 triệu đồng; vốn sự nghiệp năm 2023 chuyển sang trên 19 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng vốn được sử dụng năm 2024 lên trên 211 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 130,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 62%. Cụ thể, vốn đầu tư phát triển giải ngân được hơn 53,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 80% (bao gồm vốn 2023 chuyển nguồn); vốn sự nghiệp giải ngân được trên 77 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53% (bao gồm vốn 2023 chuyển nguồn).

Qua đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, tất cả các tiểu dự án thực hiện bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đều đã và đang được các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt, phát huy hiệu quả dự án, mang lại hiệu quả thiết thực cho những đối tượng thụ hưởng, hướng đến sớm thoát nghèo, cận nghèo khi dự án kết thúc.

Kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp tuy có chuyển biến song còn chậm. Vốn đối ứng của 3/7 địa phương cấp huyện là Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Sơn vẫn còn khó khăn, chưa bố trí đủ theo quy định. Việc triển khai một số tiểu dự án hiện còn vướng mắc, không thực hiện được do không đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Một số tiểu dự án khác như Tiểu dự án 2/Dự án 3 về cải thiện dinh dưỡng, kinh phí thực hiện hoạt động cấp nhiều so với các hoạt động cải thiện dinh dưỡng cần triển khai, đối tượng thụ hưởng tiểu dự án rất ít, dẫn đến hạn chế về đối tượng hưởng lợi. Vì thế, các huyện như Ninh Sơn, Ninh Hải và Bác Ái đang gặp khó khăn về vấn đề này, dự kiến nguồn vốn triển khai tiểu dự án sẽ không giải ngân hết.

Bên cạnh đó, theo nhu cầu của địa phương trong giai đoạn đầu của Chương trình thì nguồn vốn phân bổ tương đối lớn nhưng khi thực hiện lại không triển khai hết. Cụ thể, Tiểu dự án 1/Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo giảm sâu qua các năm gần đây, gần 50% hộ còn lại là hộ nghèo, cận nghèo nhưng không có khả năng lao động. Mặt khác, Trung ương cũng chưa có quy định về cho phép mở rộng đối tượng đào tạo, cũng như quy định rõ nhóm đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”. Điều này dẫn đến thiếu đối tượng đào tạo nên việc mở lớp đào tạo nghề gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, việc Trung ương phân bổ chi tiết từng tiểu dự án/dự án cũng ảnh hưởng đến việc chủ động điều phối nguồn vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu. Sở đã nhiều lần kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Chính phủ. Tuy nhiên, qua thông báo nguồn vốn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong 2 năm 2024 - 2025 vẫn tiếp tục dự toán giao chi tiết. Hiện nay, nguồn vốn bố trí cho tiểu dự án hỗ trợ người lao động tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài không thể giải ngân được vì chưa có hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để giải ngân hết 100% nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vào cuối năm nay, UBND tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực) tăng cường phối hợp với các sở, ngành và nhất là các địa phương được phân bổ vốn quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình. Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 50%) như Trường Cao đẳng nghề; Sở Y tế; Sở Thông tin và Truyền thông cần đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn, đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Đồng thời, Cơ quan Thường trực cần tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp huyện đến cơ sở; tiếp tục rà soát các dự án, tiểu dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để tập trung chỉ đạo và có hướng đề xuất điều chỉnh phù hợp...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát hộ nghèo, cận nghèo và hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình năm 2024; rà soát các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để sớm báo cáo Trung ương điều chỉnh danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Nguyễn Long Biên cũng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sớm hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn vào cuối năm 2024.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm