"Kênh" giảm nghèo bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam

Đào tạo nghề gắn với hỗ trợ chi phí, tìm kiếm thị trường để tăng nhanh lao động làm việc ở nước ngoài theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là “kênh” giảm nghèo bền vững các huyện miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam.

dưa-lao-dong-sang-Lao.jpg
Người thân tiễn con em đi lao động tại Lào. Ảnh: baoquangnam.vn

Cơ hội thoát nghèo bền vững

Sau 3 năm làm việc tại các nông trường do THACO AGRI (thuộc Tập đoàn THACO - Trường Hải) đầu tư tại nước bạn Lào, vợ chồng chị Coor Kinh (ở thôn Công Tơ Rơ, xã La Dee, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đã có cuộc sống khá đầy đủ. Với mức lương cao và ổn định, chị Coor Kinh đã xây dựng được nhà ở mới kiên cố, khang trang. Các phương tiện sinh hoạt đắt tiền trong gia đình được mua sắm đầy đủ, cái ăn, cái mặc không còn lo lắng nữa. Từ chỗ hộ nghèo, đến nay gia đình chị đã trở thành hộ khá giả ở xã vùng cao biên giới La Dee tiếp giáp với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào).

“Nhờ có việc làm phù hợp và ổn định, môi trường làm việc thuận lợi, có chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng, cộng với mức lương cao, ổn định, các nông trường đã tạo được niềm tin cho bà con, giúp họ có điều kiện để thoát nghèo bền vững. Ở thôn Công Tơ Rơ ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trẻ mạnh dạn đăng ký cho cả vợ lẫn chồng sang Lào làm việc tại các nông trường của THACO AGRI, nhiều gia đình nhờ đó đã thoát nghèo”, chị Coor Kinh chia sẻ.

Nam Giang là một trong sáu huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam. Toàn huyện có gần 30 nghìn người, trong đó gần 16 nghìn người trong độ tuổi lao động, chủ yếu là lao động nông lâm nghiệp; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo gần 63%.

Để tạo việc làm cho đồng bào, cùng với các chính sánh phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, trong những năm qua, huyện Nam Giang xác định, nỗ lực chuyển đổi sinh kế, hỗ trợ người dân được đào tạo nghề kết hợp với tăng cường lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là “kênh” giảm nghèo bền vững, giúp người lao động tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề và có nguồn vốn làm ăn khi hết thời hạn lao động nước ngoài, trở về địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Châu Văn Ngọ cho biết, trước mỗi đợt tuyển sinh lao động đi đào tạo nghề, huyện tổ chức các điểm sàn tư vấn giới thiệu việc làm, hướng nghiệp theo xã, cụm xã và vận động bà con tham gia. Sau đó địa phương kết hợp với Trường Cao đẳng nghề THACO để đào tạo nghề. Trong thời gian học nghề, học viên được miễn toàn bộ kinh phí đào tạo, tiền ăn, ở và chi phí đi lại. Sau khi được đào tạo, học viên được bố trí làm việc tại các dự án nông nghiệp của Tập đoàn THACO - Trường Hải đầu tư tại nước bạn Lào.

Nhờ được đào tạo nghề, có việc làm phù hợp và ổn định, có thu nhập cao nên số người đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của huyện Nam Giang tăng dần theo từng năm. Trong năm đầu tiên (năm 2022), huyện đã tuyển được 38 lao động; năm 2023 tăng lên 117 lao động. Năm 2024, dự kiến có trên 150 lao động qua đào tạo được đưa sang làm việc tại các nông trường của Tập đoàn THACO - Trường Hải.

Theo báo cáo của UBND huyện Nam Giang, lương cơ bản của người lao động tại các nông trường bên nước bạn Lào dao động từ 9-12 triệu đồng/người/tháng đối với lao động phổ thông, từ 12 đến 15 triệu đồng/người/tháng đối với tổ trưởng, người có tay nghề cao (chưa tính thời gian làm thêm giờ). Người lao động làm việc hai tháng được nghỉ phép 8 ngày để về thăm gia đình.

Tăng cường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Kết quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt được của huyện Nam Giang tuy vẫn còn khiêm tốn, song bước đầu đánh dấu sự nỗ lực của chính quyền, nhất là của đồng bào trong việc xóa bỏ tập tục “không muốn xa gia đình” để làm ăn, thoát nghèo bền vững. Đây chính là tiền đề quan trọng để mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của huyện miền núi Nam Giang nói riêng, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung hứa hẹn sẽ đạt được nhiều kết quả ấn tượng thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Châu Văn Ngọ kỳ vọng.

Ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, với 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, Quảng Nam đã đưa được gần 4.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 80% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Đây là sự khởi đầu tích cực để lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trở thành "kênh" giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, chương trình đưa lao động sang làm việc tại các nông trường ở nước bạn Lào, chương trình làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, Nhật Bản với thời gian ngắn, thu nhập cao được Quảng Nam thực hiện trong mấy năm qua đã mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Theo nhận xét của các đối tác sử dụng lao động, thái độ làm việc của người lao động tích cực, người lao động không vi phạm pháp luật, không bỏ trốn, được chủ sử dụng lao động bảo lãnh trở lại làm việc nhiều lần. Đây là mô hình tốt để tỉnh Quảng Nam mở rộng chương trình đưa người lao động tại các huyện miền núi trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, thông qua các chương trình đưa người lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nhiều hộ đã thoát nghèo, không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho cộng đồng, vươn lên làm giàu, khá giả, đóng góp tích cực vào công tác phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để thu hút người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách đến đông đảo người dân sinh sống tại các huyện miền núi bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống truyền hình, truyền thanh của tỉnh, phát hành tờ gấp, tổ chức tập huấn, tư vấn chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho cán bộ cấp xã, thôn và trực tiếp cho người lao động, thân nhân người lao động.

Mặt khác, công tác đào tạo và tư vấn việc làm phải vừa xóa bỏ được tâm lý ngại đi xa gia đình, nâng cao khả năng về ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, tăng cường chất lượng đào tạo, giáo dục định hướng, vừa trang bị cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài những kiến thức cơ bản nhằm đáp ứng cho quá trình lao động ở nước ngoài.

Các cơ quan chức năng của tỉnh, các đơn vị tuyển dụng tăng cường khảo sát, tìm kiếm, kết nối và mở rộng các thị trường có việc làm ổn định, thu nhập cao phù hợp với điều kiện làm việc sinh hoạt và trình độ của người lao động. Các tổ chức tín dụng, chủ yếu là Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt chính sách tín dụng hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm