Xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh Quảng Trị là 13,16%, với 23.967 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó: số hộ nghèo là 14.040 hộ (chiếm 7,71%), hộ cận nghèo là 9.927 hộ (chiếm 5,45%). Tỉnh Quảng Trị đang đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, phát triển về số lượng, chất lượng và thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững ở vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Trước đây, gia đình ông Hồ Văn Thương ở thôn Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông thuộc diện hộ nghèo, các con đều trưởng thành nhưng không có việc làm ổn định. Sau khi nắm thông tin về xuất khẩu lao động, năm 2022, ông Thương làm hồ sơ vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để cho con trai Hồ Văn Điệp qua Nhật Bản lao động. Từ nguồn tiền con trai gửi về phụ giúp và sự nỗ lực làm kinh tế của các thành viên trong gia đình, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang và gửi tiết kiệm được 150 triệu đồng, vươn lên làm ăn khá giả.

qtri3.jpg
Nhờ đi xuất khẩu lao động, gia đình anh Hồ Văn Lươm, ở thôn Kỳ Neh, xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị) có tiền xây nhà mới. Ảnh: vov.vn

Tháng 9/2022, anh Hồ Văn Lươm, 25 tuổi, ở thôn Kỳ Neh, xã A Ngo, huyện Đakrông mạnh dạn đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản. Sau hơn một năm làm việc chăm chỉ ở nước ngoài, anh Lươm đã trả hết nợ cho ngân hàng, đồng thời hỗ trợ gia đình xây dựng ngôi nhà mới khang trang. Nhờ đó, gia đình anh thoát nghèo và có điều kiện vươn lên.

Cũng sang Nhật Bản làm nghề xây dựng từ năm 2022, anh Hồ Văn Hời, ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông có mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, anh Hời gửi tiền về nhà phụ giúp gia đình đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Kết nối qua điện thoại, anh Hời cho biết: “Lao động ở Nhật Bản công việc ổn định, thu nhập cao hơn nhiều so với ở Việt Nam. Hơn nữa, khi sang đây làm việc, anh có thể học thêm nhiều kinh nghiệm, nâng cao tay nghề để sau này hết thời hạn hợp đồng, trở về quê có thể mở mang nghề nghiệp, làm ăn phát triển kinh tế tại địa phương”.

qtri1.jpg
Gia đình ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông trò chuyện với anh Hồ Văn Hời đang lao động tại Nhật Bản qua điện thoại. Ảnh: baoquangtri.vn

Năm 2021, chị Hồ Thị Hạnh, ở thôn Cơ Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) mạnh dạn vay 100 triệu đồng để lo chi phí cho chồng đi lao động ở nước ngoài. Sau hơn hai năm làm việc ở Nhật Bản, chồng chị không những trả hết nợ ngân hàng, mà còn có vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình chị Hạnh thoát khỏi hộ nghèo, con cái được ăn học đầy đủ.

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Trị, đến nay tỉnh có khoảng 150 thanh niên dân tộc thiểu số được vay vốn với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng để đi xuất khẩu lao động, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bà Trần Đức Xuân Hương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết: “Ngân hàng tạo điều kiện tốt nhất để tất cả đối tượng thuộc diện hộ nghèo, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Khách hàng vay vốn khi đi lao động ở nước ngoài chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt quy định, hợp đồng vay vốn, chuyển tiền về nước trả nợ đúng kỳ hạn, không có nợ xấu”.

Mở hướng thoát nghèo bền vững

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết những năm gần đây công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được huyện chú trọng đẩy mạnh, xem là một trong những giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và hiệu quả cho thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, xác định đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng để giảm nghèo bền vững, tỉnh đã đẩy mạnh chính sách hỗ trợ và đề ra mục tiêu đến hết năm 2024 hỗ trợ đưa từ 1.200 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, từ năm 2016 đến cuối năm 2023, tỉnh đã đưa trên 14.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào và Ðài Loan (Trung Quốc),... Số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh tăng nhanh theo từng năm.

qtri2.jpg
Các đơn vị tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp các đoàn viên, thanh niên có nhu cầu tìm việc làm tại sàn giao dịch. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Bà Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thu nhập cao hơn hẳn so với lao động trong nước. Lượng kiều hối chuyển về tỉnh từ những đối tượng này tăng dần theo từng năm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại kỳ họp thường kỳ cuối năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 119/2023/NQ-HÐND về chính sách hỗ trợ người tham gia làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ lao động hết hạn hợp đồng trở về nước có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh, kể từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2026. Nghị quyết nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ, góp phần thúc đẩy giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị.

Nguyên Linh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm