Anh Phạm Văn Tiến làm giàu nhờ nghề rèn truyền thống

Anh Phạm Văn Tiến làm giàu nhờ nghề rèn truyền thống

Nhờ làm nghề rèn truyền thống, anh Phạm Văn Tiến (28 tuổi) ở thôn Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã khởi nghiệp, phát triển kinh tế thành công và vươn lên làm giàu. Hiện cơ sở của anh có doanh thu 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 60 lao động địa phương với mức lương từ 6 đến 25 triệu đồng/người/tháng.

Anh Phạm Văn Tiến làm giàu nhờ nghề rèn truyền thống ảnh 1Anh Phạm Văn Tiến, chủ xưởng sản xuất Tấn Lộc Tài (làng Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Ảnh: baothanhhoa.vn

Sinh ra trong gia đình nghèo tại huyện ven biển Hậu Lộc, tuổi thơ anh Phạm Văn Tiến luôn chịu nhiều vất vả, tốt nghiệp PTTH anh đã đi nhiều nơi, trải qua nhiều nghề để kiếm tiền mưu sinh. Những năm tháng xa nhà, anh luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Năm 2018, nhận thấy tại quê nhà có nghề rèn truyền thống, anh quyết định về quê lập nghiệp, sản xuất, kinh doanh các loại dao thép trắng không gỉ. Anh vay vốn người thân, ngân hàng để mở một xưởng rèn và thuê nhân công, nhập nguyên vật liệu về sản xuất, nhưng do làm thủ công nên hiệu quả kinh tế không cao và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2019, anh quyết định tìm về các làng nghề rèn truyền thống tại các tỉnh Cao Bằng, Vĩnh Phúc để học hỏi và tìm tòi, nghiên cứu qua báo đài, mạng Internet về công nghệ sản xuất mới. Sau khi có đầy đủ kiến thức, công nghệ sản xuất mới, anh áp dụng ngay vào sản xuất các loại dao.

Theo anh Tiến, nhiều năm trước người dân quanh vùng chỉ làm dao bằng thủ công nên mỗi ngày chỉ làm được từ 15 - 20 con dao. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ vào sản xuất, mỗi ngày cơ sở có thể làm ra hàng nghìn sản phẩm dao các loại.

Để hoàn thành một sản phẩm, anh Tiến phải trải qua rất nhiều công đoạn từ ra phôi đến gia công trong lò. Đặc biệt, trong lúc rèn phải sử dụng các loại máy gồm: máy mài, máy cán thép, máy dập, máy cắt gọt kim loại.

Nhờ kiên trì, chịu khó, đến nay cơ sở của anh ngày càng phát triển, với nhiều sản phẩm dao thép trắng không gỉ được bán với giá từ 100 - 300 nghìn đồng/con dao. Anh Tiến đã thành lập Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài và sản phẩm dao thép trắng không gỉ của anh đã được bán cho các đại lý, tiểu thương tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, anh Tiến cho biết sẽ mở rộng xưởng sản xuất, đưa sản phẩm đăng ký Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Theo ông Kiều Văn Nam, Chủ tịch Hội nông dân xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, toàn xã hiện có 675 hội viên nông dân làm nghề rèn, thu nhập trung bình từ 87 - 200 triệu đồng/năm. Điển hình là mô hình rèn áp dụng công nghệ mới của anh Phạm Văn Tiến ở thôn Ngọ, xã Tiến Lộc đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Thời gian tới, xã Tiến Lộc sẽ phát triển nghề rèn truyền thống này theo hướng áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới để tạo ra nhiều sản phẩm như: quốc, xẻng, dao, búa… chất lượng, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm