Người trồng lạc vùng biên viễn Cao Bằng rất phấn khởi khi nói rằng: Cây lạc phủ xanh vùng biên giới giúp dân thoát nghèo là có công rất lớn của anh Bế Văn Tùng.
Anh Bế Văn Tùng, dân tộc Tày, sinh năm 1978 ở xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Năm 1999, anh thi đỗ vào Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Ra trường được nhận vào làm cán bộ phụ trách nguyên liệu tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng. Năm 2005, anh chuyển sang làm tại Công ty cổ phần Giống cây trồng Cao Bằng, rồi làm Trưởng trạm Giống cây trồng Hà Quảng kiêm Giám đốc Nhà máy chế biến hạt giống và nông sản Lục Khu.
Sau nhiều năm anh lăn lộn tuyên truyền, người dân các xã ở Lục Khu, huyện Hà Quảng đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang giống lạc L14, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Dù vậy, số diện tích lạc Công ty cổ phần Giống cây trồng Cao Bằng triển khai tại huyện Hà Quảng chỉ giữ ổn định mỗi năm khoảng 50 - 60 ha, trong khi mục tiêu của anh Tùng muốn mở rộng hơn gấp vài lần. Đầu năm 2014, anh Tùng thành lập công ty riêng, với mục tiêu mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trồng lạc ở huyện Hà Quảng và một số huyện khác trong toàn tỉnh.
Tháng 3/2014, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng được thành lập với 7 cán bộ, nhân viên do Tùng làm giám đốc. Các thành viên đều có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn bó chặt chẽ với người dân khu vực Hà Quảng và các huyện lân cận.
Vụ hè thu 2014, anh Tùng ký hợp đồng đầu tiên tại xã Mã Ba, huyện Hà Quảng với diện tích 40 ha lạc L14. Giống, phân bón do công ty hỗ trợ ứng trước và trả lại sau khi bán sản phẩm nên người dân rất phấn khởi. Từ hiệu quả mô hình trồng lạc ở xã Mã Ba, những năm tiếp theo, mỗi năm lại có thêm các xã vùng Lục Khu và vùng đồng của huyện Hà Quảng ký hợp đồng với công ty.
Từ vài chục ha ban đầu khi mới thành lập công ty năm 2014, đến năm 2020, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng mở rộng diện tích liên kết sản xuất lạc L14 lên 400 ha, chủ yếu tại các huyện Hà Quảng, Thạch An, Trùng Khánh, Bảo Lâm.
Để triển khai theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, trên cơ sở kế hoạch kinh doanh, quy hoạch sản xuất của địa phương, công ty đã lựa chọn các nông hộ phù hợp, từ các hộ riêng lẻ hình thành nên các nhóm hộ theo khu vực. Các nhóm hộ sẽ đăng ký diện tích trồng căn cứ vào điều kiện đất đai và năng lực của từng nhóm, công ty có chính sách liên kết cùng sản xuất.
Cụ thể, công ty đầu tư trước giống, vật tư nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật cho các nhóm hộ và cam kết thu mua sản phẩm theo giá thị thường. Người dân hoàn toàn yên tâm để sản xuất, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc được tập huấn, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sau mỗi vụ lạc, bà con thu lãi bình quân trên 30 triệu đồng/ha. Sản phẩm lạc được công ty thu mua và bán làm lạc giống cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An.
Ông Triệu Văn Ú, người dân tộc Dao đỏ, xóm Lũng Củm, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng chia sẻ: Gia đình tôi trồng lạc hơn 10 năm nay nhưng diện tích nhỏ lẻ, không áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng còn thấp.
Từ năm 2015, được Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng hỗ trợ trước giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật nên tôi mở rộng thêm diện tích trồng lạc. Hiện mỗi năm gia đình trồng gần 1 ha lạc L14, trừ chi phí cho thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Trong năm 2020, từ nguồn vốn dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ, công ty đang xây dựng nhà máy ép dầu lạc tại huyện Thạch An, theo quy trình VietGAP. Triển khai các giải pháp để thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đây là điều kiện để đón đầu xu thế sử dụng sản phẩm an toàn của thị trường, tiến tới mục tiêu ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tinh dầu lạc ở một số tỉnh, thành...
Theo nongnghiep.vn