Các đại biểu và du khách tham quan triển lãm ảnh báo chí “Dấu ấn” . Ảnh: Thành Đạt - TTXVN |
Ảnh báo chí ngày càng phát triển mạnh mẽ
Triển lãm ảnh báo chí “Dấu ấn” với hàng trăm tác phẩm ảnh báo chí đặc sắc, khắc họa khá rõ nét, đa chiều các mặt của đời sống Việt Nam và thế giới từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2019. Triển lãm đã góp phần làm “sống” lại với những khoảnh khắc lịch sử, sự kiện chính trị - ngoại giao, kinh tế, hay các sự kiện văn hóa - xã hội nổi bật trong và ngoài nước. Đó là hình ảnh trang trọng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ tuyên thệ nhậm chức. Đó là những khoảnh khắc đáng nhớ của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong các giải thi đấu thể thao trong và ngoài nước; chân dung của nhà vô địch điền kinh châu Á, một người công nhân bình dị hay những hình ảnh tang thương ở một vùng quê sau cơn lũ dữ... Đó còn là những hình ảnh đầy ấn tượng về Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un khi đến Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên…
Không chỉ vậy, triển lãm “Dấu ấn” còn có nhiều bức ảnh phản ánh muôn mặt đời sống từ những sự cố như tai nạn giao thông, hỏa hoạn, phận người hay những khoảnh khắc đời thường dung dị, ngập tràn cảm xúc... Trong mỗi tác phẩm, công chúng đều có thể thấy được sự nghiêm túc trong công việc của người phóng viên ảnh với những miệt mài, đam mê và sáng tạo không ngừng để cho ra đời những hình ảnh, khoảnh khắc ấn tượng. Đánh giá về chất lượng ảnh báo chí trưng bày tại triển lãm, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định, triển lãm “Dấu ấn” có rất nhiều ảnh đẹp, mang tính báo chí cao, những khoảnh khắc, góc bấm máy tốt cả về ảnh chính trị hay đời sống…
Trước đó, cuối năm 2018, Giải ảnh báo chí Khoảnh khắc vàng do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức cũng thu hút đông đảo nhà báo, nhiếp ảnh gia từ mọi miền đất nước tham gia. Chỉ sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 6.428 tác phẩm của 632 tác giả, từ 63 tỉnh, thành phố gửi đến dự thi. Đó là một con số rất ấn tượng.
Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng các tác phẩm ảnh báo chí tham gia cuộc thi cũng ngày càng tốt hơn. Các tác phẩm đã phản ánh sinh động các sự kiện nóng, những vấn đề lớn cùng hàng loạt sự kiện thời sự của đất nước trên khắp mọi nẻo đường. Trong số đó, có nhiều tác phẩm đã thể hiện sự độc đáo, lan tỏa, lay động dư luận, cho thấy góc nhìn riêng, rất mới của tác giả.
Có thể kể đến chùm ảnh “Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam xuất quân làm nhiệm vụ quốc tế” của tác giả Nguyễn Tiến Thành, đoạt Giải Đặc biệt ở hạng mục ảnh bộ; bộ ảnh “Ba phút lũ dữ cuốn phăng bản nghèo” của tác giả Nông Việt Linh và Trần Văn Thường (Hà Nội) được Ban tổ chức trao giải Nhất; tác phẩm ảnh “Bay cao trong chiến thắng” của tác giả Trần Thanh Hải (Hà Nội) được trao giải Nhất hạng mục ảnh đơn; bộ ảnh “APEC 2017: Thúc đẩy hợp tác, nâng cao vị thế Việt Nam” của nhóm tác giả Bùi Doãn Tấn, Nhan Sáng, An Đăng (Hà Nội)…
Theo ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Giải ảnh báo chí Khoảnh khắc vàng đã thực sự trở thành một sân chơi lớn, bổ ích, rộng mở và sáng tạo để các phóng viên ảnh, nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên tham dự, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng ảnh báo chí Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi ảnh báo chí, nhiều triển lãm ảnh báo chí khác cũng là minh chứng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thể loại ảnh báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Phóng viên ảnh báo chí phải giỏi nhiều kỹ năng
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá cao vai trò của ảnh báo chí, bởi các tác phẩm có khả năng truyền tải thông tin chân thực, đầy đủ nhất đến người đọc. Ảnh báo chí nói riêng cũng như nhiếp ảnh nói chung đóng góp rất nhiều vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, ghi lại dấu ấn lịch sử, các sự kiện trong nước và quốc tế cũng như góp phần tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, ảnh báo chí Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều theo từng năm và từng thời gian. Trước đây, có thể do điều kiện về truyền thông, kỹ thuật, nên chất lượng ảnh báo chí ở Việt Nam còn hạn chế. Những nhà báo là phóng viên ảnh thường có kinh nghiệm chụp ảnh chứ chưa được đào tạo bài bản. Nhiều người giỏi nghiệp vụ báo chí nhưng không giỏi nhiếp ảnh, ngược lại có những người giỏi nhiếp ảnh nhưng lại thiếu kiến thức về báo chí. Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng phóng viên ảnh báo chí đã phát triển nhanh, mạnh. Anh em được học hành nghiêm túc, có nghề và chuyên nghiệp hơn. Điều kiện, thiết bị tốt hơn… nên ảnh báo chí của chúng ta đang ngày càng tốt hơn, hay hơn, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Ông Vũ Quốc Khánh nhấn mạnh, ảnh báo chí là sự kết nối của rất nhiều vấn đề, trong đó, bản thân người phóng viên ảnh phải hội tụ đủ kỹ năng về nghiệp vụ báo chí và kỹ năng nhiếp ảnh. Nếu phóng viên không có nghiệp vụ báo chí, sẽ không hiểu được vấn đề để làm, nhưng nếu có nghiệp vụ báo chí mà không có kỹ năng nhiếp ảnh, không sử dụng thiết bị tốt, không chọn được góc độ tốt... sẽ không đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật của nhiếp ảnh. Bên cạnh đó, vấn đề về tư duy, quan điểm của tờ báo, cách lựa chọn sử dụng ảnh của từng đơn vị báo chí cũng liên quan chặt chẽ đến chất lượng ảnh báo chí hiện nay.
Theo ông Vũ Quốc Khánh, trước đây, ảnh báo chí ở Việt Nam chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhưng những năm gần đây, ảnh báo chí đã và đang trở thành một trong những nội dung quan trọng của nhiều tờ báo, nhiều kênh thông tin, được lãnh đạo các tờ báo quan tâm, bởi đó là một kênh thông tin vừa có tính thuyết phục, vừa có tính khách quan và bắt mắt, tạo cảm xúc ngay với người xem.
“Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin và sử dụng các thiết bị số, với cách làm báo hiện nay là xã hội cùng làm báo, nhiều tờ báo đã huy động thông tin ảnh từ nhiều tác giả, độc giả, mang lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu của công chúng về mặt thông tin, nhiều bức ảnh thậm chí chỉ chụp bằng điện thoại thông minh nhưng đạt chất lượng cao về kĩ thuật và hiệu quả hình ảnh. Đây là cách làm phù hợp với thời đại 4.0 hiện nay. Do đó, có thể thấy rằng, muốn có một tác phẩm ảnh báo chí tốt, người phóng viên phải đi sâu vào đời sống xã hội, lăn lộn với người dân trong các hoạt động thì mới có được những tác phẩm ảnh báo chí chất lượng cao”, ông Vũ Quốc Khánh khẳng định.
Phương Lan