Những ngày Tết truyền thống Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đón năm mới trong không khí vui tươi, rộn ràng, cho thấy phần nào đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng nâng lên. Đồng thời, thể hiện kết quả sự quan tâm đầu tư của địa phương đến đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nâng cao đời sống vật chất
Trong không khí rộn ràng những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, ngoài thời gian dành cho lao động, sản xuất, các gia đình Khmer đều tranh thủ trang hoàng nhà cửa; tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ với những điệu múa, bài hát truyền thống.
Tạm gác việc đồng áng, bà Kim Thị Tuyết (ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) tranh thủ thời gian dọn dẹp, trang trí nhà cửa và tổ chức các hoạt động cùng đón Tết truyền thống với bà con phum sóc.
Bà Tuyết cho biết, gia đình canh tác 7.000 m2 lúa. Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, lúa được giá. Do lợi nhuận khá cao nên gia đình đón Tết Chôl Chnăm Thmây sung túc hơn năm trước.
Là một trong nhiều hộ Khmer vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay vui tươi hơn đối với gia đình ông Thạch Khét (ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) khi căn nhà mái lá được thay bằng nhà tường kiên cố.
Ông Thạch Khét phấn khởi nói: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi khá khó khăn, nhưng năm 2020, gia đình được hỗ trợ vay vốn để nuôi bò và cải tạo lại đất trồng hoa màu. Tôi còn được tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt nên đã áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, cuộc sống dần khấm khá. Năm 2023, tôi thoát nghèo và cũng sửa sang lại nhà cửa khang trang hơn”.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là dự án, Tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chính sách an sinh xã hội khác, góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng được thụ hưởng nhiều kết quả từ các chương trình mang lại.
Toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa 7,5 km đường nông thôn; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 375 người; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho 44 cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ở cơ sở… với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng, đạt trên 91% kế hoạch vốn. Riêng năm 2022, 2023, tổng mức vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh là trên 65,6 tỷ đồng...
Chăm lo văn hóa, tinh thần
Ngoài nâng cao đời sống vật chất, tỉnh quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ gìn, phát huy.
Đồng thời, tỉnh xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo quản, gìn giữ các di tích lịch sử tại từng vùng, địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn diễn ra sôi nổi, đa dạng về nội dung lẫn hình thức, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sinh hoạt văn hóa của nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỷ lệ ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 97%; 55% ấp có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống; 85,03% hộ dân tộc thiểu số được công nhận “Gia đình văn hóa”. Tỉnh hỗ trợ nhạc cụ, trang phục hát Aday cho 6 điểm chùa, với tổng kinh phí 218 triệu đồng.
Ông Danh Kỳ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát Aday xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ cho biết, trước đây, phương tiện, nhạc cụ hát Aday còn chưa đầy đủ nên việc biểu diễn loại hình này còn gặp một số hạn chế. Năm nay, Câu lạc bộ được hỗ trợ nhạc cụ, trang phục, nhờ đó, bà con Khmer rất vui, phấn khởi khi xem các tiết mục biểu diễn phong phú hơn trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây.
Toàn tỉnh có 15 chùa Nam tông Khmer được hỗ trợ, tạo điều kiện duy trì hoạt động tín ngưỡng. Tỉnh thực hiện chính sách bảo tồn về ngôn ngữ, chữ viết và các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, hiện có 13 trường có dạy tiếng Khmer với 65 lớp trên địa bàn.
Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang thông tin, bên cạnh lao động, sản xuất, các chùa Khmer trong tỉnh thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm lo cho các vị sư sãi về chữ Khmer, hỗ trợ học văn hóa phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học tại các trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó nhằm nâng cao hiểu biết, phổ biến rộng rãi cho bà con nắm rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phương thức làm ăn hiệu quả, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Đại đức Danh Tuấn chia sẻ, những năm qua, tỉnh hỗ trợ Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước và các chùa về vật chất lẫn tinh thần. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ dụng cụ hát Aday, xây dựng sân khấu tại 3 điểm chùa, trùng tu giảng đường một điểm chùa. Qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh dành cho Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh cùng chư tăng, đồng bào Khmer trong tỉnh.
Theo ông Trần Quốc Thẻo, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, xem xét các chương trình, dự án chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Những dự án, chương trình hiệu quả cao, có tính khả thi tiếp tục duy trì, nhân rộng. Những dự án thiếu tính đồng bộ, trùng lặp, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh lồng ghép, chuyển nguồn đầu tư sang thực hiện các chương trình, dự án hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Năm 2024, tỉnh Hậu Giang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn với tổng kinh phí trên 34,6 tỷ đồng.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2 - 3%; 95% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường công tác y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 10,45%.
Hậu Giang cũng đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 55% ấp, khu vực có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Đặc biệt đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.
Hồng Thái