Liên kết- xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk

Liên kết- xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk

Sức ép từ hội nhập

Thời gian qua, nông sản Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng vẫn còn mắc kẹt giữa hình thức tổ chức sản xuất và loay hoay tìm đầu ra. Trong khi đó, sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi về chất lượng, giá thành với nông sản ngoại nên bị thất thế ngay trên sân nhà. Ví dụ, ngô là một trong những cây lương thực chính của Đắk Lắk với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, trên địa bàn tỉnh cũng có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, nhưng các doanh nghiệp (DN) chế biến lại không thu mua hoặc mua với số lượng hạn chế sản phẩm tại chỗ mà sử dụng ngô ngoại nhập vì có chất lượng tốt hơn và giá cũng rẻ hơn. Tương tự, các loại cà chua, khoai tây, rau… của Đà Lạt có chất lượng tốt, sản lượng cao, được các thị trường khó tính thừa nhận, nhưng người dân luôn đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, phải đổ bỏ và thường xuyên phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc dán mác Đà Lạt. Chưa kể, thị trường xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đáp ứng các nhu cầu khắt khe của các “thượng đế” quốc tế… Còn nhớ năm 2014, nhiều DN xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã bị một số nước châu Âu như Đức, Hà Lan trả lại hàng và buộc phải chịu mọi phí tổn vận chuyển, hợp đồng… do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể là hoạt chất Carbendazim được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm, rỉ sắt… trong hồ tiêu có tỷ lệ cao hơn mức cho phép là 0,1 mg/kg. Đó cũng là thực trạng chung hiện nay khiến hồ tiêu phải đi “đường vòng” qua nhà rang xay mới tới người tiêu dùng nên giá trị mang lại chưa tương xứng. Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ nông sản gặp khó trong quá trình sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ do nền nông nghiệp hiện nay vẫn còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên đầu vào cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra chưa đồng bộ. Đa số lực lượng lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo nghề mà chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm bản thân. Nếu canh tác độc lập, riêng lẻ trong xu thế hội nhập hiện nay thì sức mạnh kinh tế hộ không đủ khả năng chịu đựng rủi ro khiến tình trạng thoát nghèo rồi tái nghèo rất dễ xảy ra.
 

Liên kết sản xuất giúp người dân Krông Pắc bảo vệ tốt vườn cà phê mùa thu hoạch.
Liên kết sản xuất giúp người dân Krông Pắc bảo vệ tốt vườn cà phê mùa thu hoạch.


Liên kết, xu thế tất yếu của nông nghiệp hiện đại

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các sản phẩm muốn xuất khẩu cần có chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng lớn để DN xuất khẩu giao hàng đúng thời hạn hợp đồng với đối tác. Do vậy, để phát triển nông nghiệp ổn định, bản thân các hộ sản xuất nhỏ lẻ cần phải liên kết với nhau thành một tổ chức thống nhất là các tổ hợp tác, HTX để cùng tuân thủ một quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản hàng hóa trên diện tích lớn theo chuẩn quốc tế để tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng. Và tất yếu, đứng sau các HTX là các DN, một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Việt Nam có 11 cây, con có năng suất sinh học cao hơn năng suất bình quân thế giới như tiêu, điều, cà phê, cá tra, sắn… nhưng người dân được thu lợi rất ít do chưa chú trọng liên kết. Số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhưng số lượng thành viên, diện tích liên kết sản xuất nhỏ khiến thị trường nguyên liệu bị chia rẽ do vậy Việt Nam cần phải hình thành các HTX có quy mô lớn hay liên kết các HTX lại với nhau để cùng hỗ trợ nhau sản xuất, tăng cường liên kết vùng miền. Khi đó, các DN trong chuỗi liên kết sẽ trực tiếp làm việc với ban chủ nhiệm HXT để hỗ trợ cây, con giống, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thay vì làm việc với từng hộ dân để rút ngắn thời gian, chi phí cho tác nhân liên kết, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường…
 

Kiểm tra dây chuyền chế biến ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15.
Kiểm tra dây chuyền chế biến ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15.


Thực tế tại Đắk Lắk cho thấy, một số DN trên địa bàn đã đứng ra hỗ trợ người dân thành lập các tổ hợp tác, HTX, từ đó hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, bao tiêu nông sản cho bà con nông dân. Điển hình như Công ty cà phê Đắk Man đã đứng ra hỗ trợ thành lập, bao tiêu sản phẩm cà phê đạt chứng nhận FLO cho 6 HTX sản xuất cà phê trên địa bàn với giá cao hơn thị trường từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên con số DN như Đắk Man vẫn còn quá ít mà cần được nhân lên nhiều hơn nữa

Báo Đắk Lắk Điện tử

Có thể bạn quan tâm