Một số kết quả nghiên cứu cho thấy cây Mắc ca có thể trồng được ở Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu “Khảo nghiệm giống và đánh giá khả năng phát triển cây Mắc ca tại Việt Nam” trồng tại Đắk Lắk sau 9 năm trồng cho sinh trưởng tốt, đã ra hoa kết quả với sản lượng tương đối cao. Do đó, cây Mắc ca có khả năng phát triển được ở Tây Nguyên và có thể trở thành cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế nếu được nghiên cứu và đầu tư đúng mức.
Đắk Nông là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có chế độ khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới với ngày nóng, đêm lạnh, ít chịu ảnh hưởng của bão. Do đó, Đắk Nông là nơi có điều kiện khí hậu và đất đai rất phù hợp để phát triển cây Mắc ca.
Ảnh: Sở KH&CN Đắk Nông |
Với mục tiêu đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển của cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh và đề xuất được vùng trồng, các biện pháp kỹ thuật phù hợp, xây dựng bản đồ hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Mắc ca cho tỉnh Đắk Nông. Nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài đã thực hiện 3 nội dung nghiên cứu, bao gồm: đánh giá thực trạng trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh thời gian qua; nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh; đề xuất áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để phát triển bền vững cây Mắc ca tại địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, toàn bộ khu vực tỉnh Đắk Nông về lượng mưa và nhiệt độ đều đáp ứng yêu cầu cho Mắc ca sinh trưởng và phát triển. Sinh trưởng của cây Mắc ca tại huyện Tuy Đức vượt trội hơn so với các vùng khác. Ngoài ra, nhóm đề tài cũng đã xây dựng được bản hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh cây Mắc ca và hướng dẫn nhân giống bằng hom cây Mắc ca.