Phun thuốc khử trùng các phương tiện từ vùng dịch đi ra ngoài. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN |
Chưa tuân thủ đúng quy định Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, tính đến 15 giờ ngày 22/5/2019 dịch bệnh đã xảy ra tại 244 hộ chăn nuôi, 25 thôn, 10 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 6/9 huyện thị xã của tỉnh. Số lợn tiêu hủy trên toàn địa bàn khoảng 1.100 con với trọng lượng gần 50 tấn... Nguyên nhân phát sinh dịch theo thông tin ban đầu là do hộ dân không tuân thủ chăn nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh thú y. Cụ thể như: chủ hộ chăn nuôi mua con giống không được kiểm soát, để nhiều người ở các nơi ra vào khu vực sản xuất của hộ chăn nuôi. Trưởng Phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên Hoàng Văn Số cho biết thêm, ổ dịch đầu tiên bùng phát ở huyện Lục Yên là hộ ông Mông Văn Tiếng ở thôn Cốc Bó, xã Liễu Đô. Gia đình này sống cách biệt trong một thung lũng biệt lập với bên ngoài và nuôi lợn nái để sinh sản lợn giống. Nhưng gần đây ông Tiếng đã mua thêm con giống từ Phú Thọ về để bán kiếm lời, chưa kịp bán thì lợn bị chết, kiểm tra dương tính với dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy cả đàn, tổng trọng lượng gần 4,6 tấn… Không chỉ riêng gia đình ông Tiếng, gia đình anh Bàn Phúc Thế ở thôn Khe Pháo, xã vùng cao Tân Phượng nằm cách huyện Lục Yên trên 30 km với con đường độc đạo, mà dịch tả lợn châu Phi vẫn xuất hiện. Quà tìm hiểu, ổ dịch tại nhà anh Thế là do anh đã mua lợn thông qua giao dịch trên mạng Internet.
Rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng tại điểm tiêu hủy lợn. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN |
Anh Thế kể lại, gia đình có thu nhập chính từ nghề nuôi lợn và bán giá 50.000 đồng/kg cho các thợ mổ. Xem trên ti vi, có biết về dịch tả lợn châu Phi nên gia đình không mua lợn từ người lạ. Để đảm bảo an toàn, anh Thế nhờ người quen ở Yên Lập (Phú Thọ) cho xem hình ảnh về lợn giống qua mạng Internet và quyết định mua 23 con trọng lượng trên 20kg/con với giá 19,8 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày đàn lợn mới mua của gia đình anh Thế đã có một con chết. Đến nay đàn lợn nhà anh Thế đã phải tiêu hủy hết vì dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lục Yên, đến ngày 22/5 toàn huyện có 6 hộ chăn nuôi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi thì 5 hộ là do mua lợn giống từ nơi khác về. Chỉ có 1 con lợn duy nhất của hộ ông Hoàng Văn Tây ở thôn Chang Pồng xã Lâm Thượng bị chết do lây từ lợn mắc dịch bệnh của hộ liền kề.Quyết liệt quản lý, giám sát dịch Hiện việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Từ tháng 2/2019, Yên Bái đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức họp báo để tuyên truyền phòng, chống dịch tả lợn châu Phi... Về cơ bản, hệ thống chính trị ở Yên Bái đã triển khai việc phòng chống dịch khá tốt, nhưng vẫn còn những địa phương cấp xã, thôn, bản chưa nắm rõ dẫn đến bùng phát dịch tả lợn châu Phi và có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường. Điển hình nhất là hai ổ dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại gia đình ông Phạm Ngọc Hưng ở tổ 3 và gia đình ông Vũ Thanh Tùng ở tổ 9 thị trấn nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn từ ngày 1/5. Khi gia đình ông Hưng vận chuyển lợn con đi bán ở Sơn La, có 15 con lợn ốm chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sơn La đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với dịch tả châu Phi nên đã thông báo cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y Yên Bái. Đến ngày 4/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Yên Bái lấy mẫu xét nghiệm tại hai hộ trên, kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Điều đó khẳng định thị trấn nông trường Trần Phú chưa thực hiện tốt việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Cán bộ xã Minh Quân, huyện Trấn Yên vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN |
Việc để lợn giống nhiễm dịch vận chuyển từ nơi khác vào địa bàn một số xã của huyện Lục Yên trong lúc dịch đã xuất hiện ở 4 huyện thị khác của Yên Bái cho thấy việc quản lý giám sát dịch tại cơ sở của huyện còn lỏng lẻo ảnh hưởng không nhỏ tới phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Ông Trần Đức Lâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái khẳng định, Yên Bái đang đẩy mạnh phòng chống dịch đồng bộ, bên cạnh đó là việc xây dựng kế hoạch để tái đàn khi dịch qua đi. Theo đó, Yên Bái tập trung phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện vệ sinh chuồng trại nuôi; tiến hành các biện pháp dập dịch theo kịch bản đã ban hành. Đồng thời tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ tiêu hủy đàn lợn bệnh; tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách hỗ trợ, ngăn chặn việc bán tháo lợn bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn. Đặc biệt, rà soát lại toàn bộ quy trình phòng, chống dịch để đề ra các giải pháp thích hợp hơn. Riêng đối với các hộ chăn nuôi quy mô có tổng đàn lớn, cụ thể là các hộ cung cấp giống cần phải gia tăng các biện pháp phòng hộ để đảm bảo an toàn cho đàn giống. Thời gian tới, khi dịch bệnh ổn định thì có cơ sở đàn giống tốt cho việc nhân đàn.
Đức Tưởng