Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025" của Tỉnh ủy Yên Bái đã từng bước phát huy hiệu quả. Cụ thể, năm 2015, toàn tỉnh có 2.275 trường hợp tảo hôn, đến hết năm 2019 còn 411 trường hợp, 10 tháng năm 2020 còn 267 trường hợp. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, toàn tỉnh có 9 cặp kết hôn cận huyết thống, đến nay không có trường hợp nào.
Ông Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái cho biết, mặc dù tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn nhiều hạn chế... Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn nói riêng cho người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi - đối tượng dễ tảo hôn chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Ở nhiều nơi, chính quyền cơ sở còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Để đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Yên Bái đã đề ra giải pháp là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thực hiện giải pháp này các địa phương nhất là nhiều huyện vùng cao ở Yên Bái như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn... đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu Trịnh Văn Xuê cho biết, Huyện ủy đã đưa ra giải pháp xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo như: Mô hình gia đình, dòng họ, thôn, bản "ba không” (không có người tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không xuất cảnh trái phép). Bên cạnh đó, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo được phát huy trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Đặc biệt, huyện chú trọng đề cao trách nhiệm gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở; xử lý nghiêm trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định.
Huyện đẩy mạnh tuyên truyền trong các nhà trường, trong đó tập trung làm tốt công tác giáo dục sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, giáo dục giới tính cho học sinh; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình dục an toàn. Hướng dẫn đưa nội dung quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn làng văn hóa, gia đình văn hóa tại thôn, bản, tổ dân phố; lồng ghép tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình trong hoạt động của chính quyền, đoàn thể, câu lạc bộ, tổ, nhóm.
Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 191-KH/TU, ngày 18/4/2020 về thực hiện thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn công tác tuyên truyền cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn và kế hoạch triển khai thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, kế hoạch gặp mặt già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu để triển khai Kế hoạch của Tỉnh ủy. Ba huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn đã có chương trình phối hợp triển khai Kế hoạch số 191-KH/TU nhằm giảm thiểu tình trạng này trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo kế hoạch này, Yên Bái tập trung nhân rộng mô hình dân vận khéo về dòng họ, thôn bản "ba không" đã khá thành công tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên và xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên ra các huyện vùng cao khác của tỉnh. Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu là cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Đức Tưởng