Khó khăn trong xử lý các trường hợp tảo hôn ở Hà Giang

Ly Mí Hờ và Sùng Thị Cáy, thôn Thèn Ván, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) làm bố mẹ ở tuổi 16. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN
Ly Mí Hờ và Sùng Thị Cáy, thôn Thèn Ván, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) làm bố mẹ ở tuổi 16. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh Hà Giang đã tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai nhiều biện pháp can thiệp, nhưng tình trạng tảo hôn tại các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang vẫn diễn biến phức tạp, để lại nhiều hệ lụy.

Khó khăn trong xử lý các trường hợp tảo hôn ở Hà Giang ảnh 1Ly Mí Hờ và Sùng Thị Cáy, thôn Thèn Ván, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) làm bố mẹ ở tuổi 16. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Theo Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Hà Giang, từ năm 2015 – 2019, tỉnh Hà Giang có 2.348 cặp tảo hôn, mặc dù đã có quy định xử phạt nhưng thực tế vẫn khó để xử lý các trường hợp vi phạm.

Năm 2019, sau hai tuần quen nhau qua mạng xã hội zalo, Ly Mí Hờ, sinh năm 2003, ở thôn Thèn Ván, xã Lũng Cú sang thôn Ngài Chồ, xã Ma Lé (cùng huyện Đồng Văn, Hà Giang) bắt Sùng Thị Cáy về làm vợ, dù chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Cả hai chung sống và đã có con với nhau.

Do bệnh nặng, bố của Ly Mí Hờ đã mất từ lâu, mẹ bỏ đi lấy chồng, để lại hai anh em thơ dại tự lo cho nhau. Làm bố ở tuổi 16, giờ đây, hoàn cảnh của Hờ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi vừa phải lo cho em vừa phải lo cho vợ và con nhỏ.

Vợ chồng Ly Mí Hờ là một trong những điển hình cho tình trạng đói nghèo vì tảo hôn trên địa bàn huyện Đồng Văn (Hà Giang). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn hiện nay được cho là do trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa cao, điều kiện giao lưu với các dân tộc khác còn hạn chế, sự khác biệt ngôn ngữ, không thông thạo tiếng phổ thông, đặc biệt là tục bắt vợ... Hơn nữa, sự phổ biến của internet, mạng xã hội, ảnh hưởng của phim ảnh đồi trụy dẫn đến quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên và mang thai trước hôn nhân cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn.

Ông Phạm Hồng Việt, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đồng Văn cho biết, trong 11 tháng của năm nay, huyện Đồng Văn có 242 trường hợp tảo hôn. “Trường hợp ở đây được hiểu một cặp tảo hôn có thể cả hai đều chưa đến tuổi kết hôn hoặc một bên chưa đến tuổi kết hôn” - ông Việt giải thích.

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt tình trạng hôn nhân cận huyết giảm mạnh, có nơi không còn hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo ông Phạm Hồng Việt, việc xử lý hành vi tảo hôn hiện nay còn một số vướng mắc. Hiện giờ mới chỉ có quy định xử lý về hành vi tổ chức tảo hôn, do ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em hoặc người thân thích khác (của những người tảo hôn) tổ chức kết hôn cho những người chưa đến tuổi. Tuy nhiên để xác định các hành vi tổ chức tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó khăn, không rõ ràng. Nhiều cặp tảo hôn mà cả hai bên gia đình không hề có các hành vi tổ chức hoặc có nhưng không rõ ràng, không chứng cứ, do đó khó có thể xử lý hành chính.

Tại Điều 183 của Bộ Luật hình sự 2005, điều chỉnh năm 2017 nêu rõ: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm”.

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).

Những trường hợp cặp tảo hôn một bên nam hoặc nữ từ đủ 18 tuổi trở lên chung sống như vợ chồng với một bên nam hoặc nữ từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ chuyển hồ sơ đề nghị xử lý hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ Luật hình sự) khi người vi phạm đủ 18 tuổi trở lên.

Tảo hôn là vấn nạn tồn tại từ lâu trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, không dễ xóa bỏ một sớm một chiều. Để giảm thiểu tình trạng này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với nhiều giải pháp, công cụ tuyên truyền nhằm chuyển đổi hành vi hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí áp dụng mạnh hơn nữa chế tài xử phạt hành vi tảo hôn, đặc biệt là hủ tục bắt vợ của đồng bào Mông. Như vậy mới giảm thiểu được tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Nguyễn Chiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm