Tỉnh Yên Bái đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình nước sạch nông thôn, mang lại kết quả ấn tượng, tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành mục tiêu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trước năm 2030.*Nâng cao hiệu quả đầu tư công trình.
Thông tin từ Chi cục thủy lợi Yên Bái cho thấy, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 360 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; Gần 110.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ; Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 15,2%. Tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh trên 72% và trên 95% trạm y tế có công trình nước hợp vệ sinh.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, để đạt được kết quả ấn tượng này, địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp. Theo đó, từ khâu khảo sát nguồn nước, lựa chọn quy mô, vị trí xây dựng, công nghệ xử lý đến việc duy trì chế độ duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư công trình nước sạch đều được tính toán hợp lý. Điều này đã mang lại hiệu quả trong đầu tư, phát huy tác dụng lâu dài của công trình, chống lãng phí nguồn lực cho nhà nước.
Công trình nước sạch tại xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên là một trong hàng trăm công trình nước sạch tập trung trên toàn tỉnh Yên Bái được vận hành từ năm 2020, phục vụ ổn định cho trên 400 hộ dân. Từ ngày công trình nước sạch đưa vào sử dụng, người dân Cường Thịnh không còn lo thiếu nước sạch sinh hoạt. Đồng thời, nguồn nước sạch này góp phần để Cường Thịnh hoàn thành tiêu chí về chất lượng môi trường sống trong bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Cao Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh chia sẻ, rút kinh nghiệm từ những công trình nhỏ lẻ trước kia, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã khảo sát được nguồn nước ổn định, đảm bảo chất lượng từ đó tính toán, lựa chọn vị trí, quy mô xây dựng và công nghệ xử lý nước phù hợp, đảm bảo quy mô dân số của xã đến năm 2030. Sau gần 4 năm đưa vào sử dụng, công trình đã tạo ra nguồn nước sạch chất lượng, luôn ổn định quanh năm, góp phần đáng kể bảo vệ sức khỏe cho người dân và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Hiện nay, phần lớn nguồn nước cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái là nguồn nước mặt có trữ lượng lớn, dễ xử lý, phân bố rộng. Tuy nhiên, nguồn nước mặt chịu nhiều tác động của thời tiết, gây thiếu nước về mùa khô và bồi lấp cửa thu nước về mùa mưa, dẫn đến chất lượng vào nhiều thời điểm không đảm bảo và lưu lượng cung cấp nước không ổn định. Do vậy, giải pháp được Yên Bái đưa ra là các công trình nước sạch sẽ bám theo các đập thủy lợi lớn và tìm nguồn nước ngầm thay thế.
Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết, khảo sát để tìm cho được nguồn nước có chất lượng đảm bảo, ổn định là khâu quan trọng nhất, quyết định tính hiệu quả của toàn bộ quá trình đầu tư công trình nước sạch. Kết quả khảo sát là cơ sở để lựa chọn công nghệ xử lý và công suất phù hợp. Trước kia, khâu khảo sát thường không được chú trọng, dẫn đến nhiều công trình nước sạch khi đưa vào sử dụng phát sinh nhiều vấn đề bất cập, hiệu quả sử dụng không cao.
Bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm tới việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư, lấy nguồn vốn từ ngân sách nhà nước làm chủ đạo cùng các nguồn vay và xã hội hóa để ưu tiên tập trung nguồn lực xây dựng các công trình nước sạch tập trung có công suất lớn, đáp ứng cho nhiều cụm dân cư. Nhờ đó, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 300 công trình nước sinh hoạt tập trung có công suất từ 500 m3/ngày đêm trở lên, cung cấp nước sạch cho trên 500.000 người khu vực nông thôn, chiếm khoảng 75% dân số khu vực này.
Đổi mới công tác quản lý và vận hành
Trước kia, nhiều công trình nước sạch nông thôn tại tỉnh Yên Bái hoạt động kém hiệu quả. Thậm chí, một số công trình dừng hoạt động, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Hai nguyên nhân chủ quan đáng chú ý là bất cập trong quản lý và vận hành công trình sau đầu tư.
Thực tế cho thấy, hầu hết các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái được bàn giao cho chính quyền cấp xã quản lý. Tùy theo quy mô, chính quyền xã thành lập ra các Ban Quản lý nước sạch. Thành viên của Ban quản lý được phê duyệt dựa trên kết quả bầu chọn trực tiếp của người dân tại các khu, cụm dân cư. Ban Quản lý nước sạch hoạt động theo quy chế nội bộ trong khuôn khổ của pháp luật. Các thành viên được Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái tập huấn, hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật.
Ông Lê Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên cho biết, từ khi ban quản lý đi vào hoạt động, công trình nước sạch trên địa bàn xã đã được xác định rõ thời gian khấu hao. Giá sử dụng nước được hạch toán công khai, đảm bảo đủ cho chi phí quản lý, vận hành và sửa chữa nhỏ công trình. Các công trình nước sạch trên địa bàn thường xuyên được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ, nhất là khi có sự cố xảy ra, đều có cán bộ khắc phục và xử lý kịp thời. Nhờ đó, công trình cung cấp nước sạch luôn duy trì vận hành tốt nhất.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý công trình nước sạch làm nòng cốt, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cơ quan đoàn thể trong xã để tuyên truyền, tư vấn và vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ, sử dụng nguồn nước an toàn, tiết kiệm và bền vững. Người dân được khuyến khích tích cực trồng cây, gây rừng tạo nguồn sinh thủy, tránh những tác động làm ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước từ hoạt động sản xuất.
Để duy trì vận hành hiệu quả của các công trình nước sạch, hằng năm, Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái được giao làm đầu mối trực tiếp tập huấn, hướng dẫn và tư vấn cho các ban quản lý nước sạch cơ sở. Ông Trần Anh Văn, Phó Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay, 100% đội ngũ công nhân vận hành tại các ban quản lý nước sạch đều được đào tạo, tập huấn hằng năm, đáp ứng yêu cầu xử lý khẩn cấp các hư hỏng, sửa chữa nhỏ, biết cách duy tu, bảo dưỡng, kéo dài thời gian sử dụng công trình; vận hành ổn định chất lượng nước theo tiêu chuẩn quy định.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì hoạt động ổn định các công trình cấp nước hiện có; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo sửa chữa, mở rộng, xây mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung phù hợp với nguồn nước cấp và quy mô dân số, đảm bảo mục tiêu đến trước năm 2030 có 100% dân số nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Tiến Khánh