Lâm Đồng thống nhất đầu tư xây dựng mới công trình cấp nước sạch nông thôn

Ngày 16/2, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã có ý kiến thống nhất hướng xử lý đối với việc đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước sạch nông thôn theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó giao UBND các huyện, thành phố kêu gọi thu hút đầu tư, xã hội hóa các dự án nước sạch để giảm bớt ngân sách đầu tư công.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng, tổng nhu cầu xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung nông thôn của tỉnh hiện cần 8 công trình với tổng kinh phí 346 tỷ đồng; trong đó, có 3 công trình với tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng, thuộc danh mục kêu gọi thu hút đầu tư xã hội hóa theo Kế hoạch của UBND tỉnh và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình nước sạch nông thôn tập trung giai đoạn 2023- 2028. Đó là công trình cấp nước sinh hoạt 2 xã Gia Hiệp- Đinh Lạc của huyện Di Linh; công trình cấp nước tập trung xã Phi Liêng của huyện Đam Rông và công trình cấp nước sinh hoạt xã An Nhơn của huyện Đạ Tẻh.

Ngoài các công trình kêu gọi vốn xã hội hóa, có 5 công trình đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước với tổng nhu cầu đầu tư 234 tỷ đồng; trong đó, có 3 công trình đã lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định. Đó là dự án nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước Diom A ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương; dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung ở làng Đại Dương thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng; dự án xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt xã Đạ R’Sal, huyện Đam Rông.

Để thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, giảm tải ngân sách đầu tư công đối với các dự án có thể sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, tại văn bản số 1158/UBND-TL ngày 15/2/2024, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND các huyện và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư công trình, dự án trong danh mục kêu gọi xã hội hóa; tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định; tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng hệ thống nước sạch để đảm bảo hiệu quả đầu tư đối với công trình, dự án sau khi được đầu tư. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương lập danh mục các công trình, dự án cung cấp nước sạch nông thôn thực hiện xã hội hóa kêu gọi thu hút đầu tư để đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định…

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ hộ dân nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 92%; trong đó, có 33,5% được sử dụng nước sạch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 277 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, cấp nước cho 18.190/28.727 hộ dân theo thiết kế. Ngoài ra còn 39 xã đấu nối với 10 nhà máy cấp nước đô thị và 3 nhà máy cấp nước do doanh nghiệp đầu tư với công xuất 12.900 m3/ngày- đêm.

Giai đoạn 2016- 2020, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng mới, đấu nối mở rộng các công trình cấp nước tập trung cho khoảng 27.000 hộ dân nông thôn với tổng kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Trong số đó có 192 tỷ đồng vay vốn Ngân hàng Thế giới WB thuộc nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn; ngân sách nhà nước khoảng 90 tỷ đồng chủ yếu để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước hư hỏng, xuống cấp.

Còn lại là nguồn vốn xã hội hóa được các doanh nghiệp đầu tư lên tới trên 117,8 tỷ để xây dựng Nhà máy nước Gềnh Đá ở huyện Cát Tiên; nhà máy nước Thủy Thiên Phú An ở huyện Đức Trọng; nhà máy nước Đạ Rsal ở huyện Đam Rông; đấu nối mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Đà Lạt cấp cho các xã Tà Nung và Trạm Hành đều thuộc thành phố Đà Lạt…/.

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm