Thanh Hóa đầu tư cho nước sạch, cải thiện chất lượng sống tại khu vực miền núi

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Thanh Hóa hiện có 540 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, trong đó chỉ có 36 công trình có chất lượng nước đạt quy chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Còn lại hơn 500 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi là các công trình cấp nước tự chảy có quy mô cấp nước cho thôn/bản, kỹ thuật đơn giản, chất lượng nước chỉ đảm bảo hợp vệ sinh… Thực tế này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Sau khi sáp nhập với xã Quang Hiến, dân số của thị trấn Lang Chánh, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) tăng đột biến, trong khi do tác động của môi trường, nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt và không được đảm bảo nên nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân rất lớn. Toàn thị trấn chỉ có một công trình giếng khoan được đầu tư từ những năm 1990, chỉ đủ khả năng cung cấp nước cho khoảng 165/2.550 hộ và 18 cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, do công suất máy bơm nhỏ, nguồn nước không ổn định, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.

Theo ông Trần Anh Quang, Phó Chủ tịch Phụ trách thị trấn Lang Chánh, thời gian tới, thị trấn có kế hoạch xây dựng đô thị văn minh, trong đó tiêu chí nước sạch đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, 90% dân số đang sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi…, không đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, công trình giếng khoan được đầu tư dã lâu, xuống cấp nhiều hạng mục, chất lượng nguồn nước kém, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn sớm được đầu tư một công trình nước sạch tập trung để nâng cao chất lượng sống của người dân, tiến tới xây dựng thị trấn thành đô thị.

Theo kế hoạch, năm 2024, xã vùng cao Tân Phúc, huyện Lang Chánh sẽ hoàn thành các tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới. Đến nay, xã còn 5 tiêu chí chưa đạt yêu cầu, trong đó tiêu chí nước sạch đang là "rào cản" trong quá trình công nhận nông thôn mới của xã.

Theo ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, được sự quan tâm của UBND huyện Lang Chánh, xã được phân bổ vốn để duy tu bảo dưỡng 2 công trình cấp nước tự chảy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của môi trường, thiên tai, bão lũ nên hệ thống đường ống dẫn nước hư hỏng nhiều, khả năng dẫn nước kém, chất lượng nguồn nước thấp… ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Để giải quyết những khó khăn trong thực hiện tiêu chí về nước sạch phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước, còn nếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương để đầu tư hệ thống cấp nước tập trung là vượt quá khả năng. Mặt khác, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cũng gặp khó, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư nhà máy xử lý nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, người dân chưa sẵn sàng cho việc phải chi một khoản tiền cho nước sạch sinh hoạt hằng tháng.

Ông Lê Minh Chiến, thôn Tân Phong, xã Tân Phúc chia sẻ, nhiều năm nay, người dân chủ yếu sử dụng nước từ nguồn giếng khoan, các khe, suối. Nguồn nước này đều do người dân tự đào, dẫn nước, thấy nước không có mùi, màu hay vị lạ là sử dụng. Công trình nước sạch được đầu tư quy mô nhưng hoạt động thời gian ngắn đã bị bỏ hoang, trong khi người dân không có nước cho sinh hoạt hằng ngày. Sau khi có hệ thống nước tự chảy, gia đình cũng làm ống đấu nối từ bể về dùng, thế nhưng lâu nay đã bị cạn kiệt, có hôm phải đem can nhựa vào tận khe suối để lấy. Nhà có 6 nhân khẩu, để bảo đảm đủ nước nấu ăn và giặt giũ, có ngày ông phải vào tận khe lấy 10 can, mỗi can 20 lít.

"Đưa nước sạch về vùng nông thôn, nhất là khu vực miền núi để cải thiện cuộc sống cho người dân là một trong những tiêu chí góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sức khỏe mọi người. Người dân xã Tân Phúc mong các cấp, ngành quan tâm để có nước sạch, hợp vệ sinh sử dụng…", ông Chiến bộc bạch.

Năm 2024 theo kế hoạch, xã Lam Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc sẽ hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, địa phương mới hoàn thiện được 15/19 tiêu chí. Trong 4 tiêu chí chưa hoàn thiện, tiêu chí nước sạch được đánh giá khó thực hiện nhất do dân số phân bố không tập trung; điều kiện địa hình, địa lý hiểm trở…

UBND huyện Ngọc Lặc đang triển khai dự án đưa nước sạch tập trung từ trung tâm huyện về xã. Đây là chủ trương được nhân dân đồng thuận rất cao, bởi thực tế nguồn nước giếng khoan, giếng đào hiện nay đã cạn kiệt, ô nhiễm, không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh. Sau khi tuyên truyền, có 650 hộ dân đăng ký sử dụng, đạt hơn 50%, đáp ứng tiêu chí để được công nhận nông thôn mới nâng cao. Chính quyền và người dân xã Lam Sơn mong muốn, dự án đưa nước sạch từ trung tâm huyện về xã sớm được triển khai, đưa vào sử dụng để người dân được dùng nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe.

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa, các công trình cấp nước tự chảy khu vực miền núi có quy mô nhỏ, công nghệ đơn giản, được xây dựng ở vùng miền núi, những nơi có địa hình phức tạp, đường ống dẫn nước xa khu dân cư, dễ bị tác động bởi mưa lũ khiến việc quản lý, gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các công trình này được UBND xã giao cho tổ quản lý vận hành, trong khi thành viên các tổ này không được đào tạo nên hiệu quả không cao; nhiều công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng. Ngoài ra, thời tiết cực đoan, mưa lớn, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ công trình, trong khi nguồn kinh phí để duy tu bảo dưỡng hầu như không có.

Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá hiện trạng cấp nước của các nhà máy cấp nước sạch tập trung đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để có phương án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước. Trong đó, đơn vị tập trung nâng cấp công nghệ xử lý nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước cho các xã chưa được cung cấp nước sạch.

Những năm qua, nước sạch ngày càng được người dân quan tâm và có nhu cầu sử dụng để đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Xác định được tầm quan trọng của nước sạch, Thanh Hóa đã đưa chỉ tiêu về nước sạch là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đây cũng là nội dung của tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 65% và đến năm 2030 đạt 75%. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành phải chung tay đề xuất giải pháp chiến lược để góp phần phát triển bền vững thủy lợi miền núi nói chung và sự phát triển của lĩnh vực nước sạch miền núi nói riêng…

Khiếu Tư - Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm