Yên Bái đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm

Yên Bái đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm

Vụ Đông năm 2022, tỉnh Yên Bái chỉ đạo, khuyến khích người dân đưa một số cây trồng mới đã được trồng thử nghiệm thành công vào sản xuất, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân.

Yên Bái đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm ảnh 1Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái hướng dẫn nông dân chăm sóc cây ngô trên đất dốc tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Với định hướng phát triển sản xuất vụ đông theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và phát triển bền vững, vụ đông năm 2022, các địa phương trên tỉnh Yên Bái tiếp tục xác định là vụ sản xuất chính trong năm, có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp và tạo thu nhập đáng kể cho nông dân.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn thành gieo trồng gần 10.000 ha cây vụ đông. Từ nhiều ngày qua, bên cạnh cây ngô đông trên đất 2 vụ lúa và cây khoai lang, người dân trong tỉnh đang tích cực gieo trồng nhiều loại cây vụ đông ngắn ngày. Trọng tâm là các loại rau, củ, quả được trồng trên vùng núi cao, có điều kiện thời tiết phù hợp.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, trong cơ cấu cây trồng vụ đông tại tỉnh Yên Bái, cây ngô vẫn chiếm diện tích 5.600 ha nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thức ăn chăn nuôi tại chỗ để phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi; cây khoai lang đạt gần 1.100 ha. Tuy nhiên, năm nay diện tích cây rau các loại tăng mạnh, đạt gần 3.200 ha, ước sản lượng gần 40.000 tấn. Đây là những loại rau màu có chất lượng, được thị trường ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao.

Yên Bái đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm ảnh 2Mô hình liên kết sản xuất trồng cây cải bẹ xanh giữa nông dân và Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Để hoàn thành mục tiêu sản xuất vụ Đông năm 2022, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương cần bố trí sớm khung thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, quy hoạch sản xuất thành những vùng tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết tổ chức sản xuất vụ đông theo chuỗi giá trị để tạo ra vùng sản xuất chuyên canh theo hướng an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, nhiều cánh đồng trồng ngô đông của tỉnh Yên Bái được thay thế bằng cây rau màu khác, như: dưa chuột bao tử, ngô bao tử, dưa hấu, ớt xanh, bí xanh, bí ngô, khoai tây, khoai sọ, bắp cải, su hào, su su, cà chua...Nhất là là các rau cải, như: cải mầm đá, cải ngọt, cải ngồng, cải chip, cải cúc, cải canh, cải mơ, cải bẹ xanh, cải xoong... Qua thử nghiệm, các loại rau này phát triển khá tốt nhờ thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây, có chất lượng vượt trội so với trồng nơi khác.

Điển hình như giống rau cải mầm đá được trồng thành công tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. Đây là giống rau mới, có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng, có khả năng chống chịu được lạnh, băng giá của mùa đông vùng núi cao. Năm nay, rau cải mầm đá đặc sản được mở rộng trồng đại trà trên diện tích gần 10 ha, với sự liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, cây cải mầm đá rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây, trung bình mỗi cây cho trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg, sản lượng đạt khoảng 30 tấn/ ha, với thời giá hiện tại từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg, ước cho doanh thu khoảng 300 triệu/ ha. Toàn bộ sản phẩm được bán tại các siêu thị, các trường học tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Nâng cao giá trị sản xuất vụ đông

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho thấy, giá trị sản xuất bình quân vụ đông đạt trên 30 triệu đồng/ha. Trong đó, cây ngô đạt giá trị trên 16 triệu đồng/ha, cây khoai lang đạt 15,5 triệu đồng/ha, cây rau màu đạt giá trị 64 triệu đồng/ha. Dựa trên lợi thế của từng tiểu vùng khí hậu và thổ nhưỡng, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã quy hoạch thành những vùng trồng rau màu chuyên canh.

Yên Bái đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm ảnh 3Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân trồng cây ngô đông trên đất hai vụ lúa tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Để nâng cao giá trị sản xuất, giành thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng vụ Đông năm 2022, ông Phạm Đình Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngoài việc làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng chuyên canh, ngành nông nghiệp đã tham mưu chính quyền các cấp chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm…

Đặc biệt, các địa phương đã hỗ trợ người dân tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về quy trình làm đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc; cơ giới hóa sản xuất; thực hiện điều tiết nước tưới hợp lý cho từng vùng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên cho cây trồng. Nhất là tổ chức chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch thông qua các hội nghị đầu bờ theo từng thời kỳ phát triển của cây trồng.

Ông Chang Thế Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho biết, khi đã trở thành vùng chuyên canh trồng rau màu, người dân nơi đây không chỉ được học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, áp dụng máy móc vào sản xuất mà quan trọng hơn là dần hình thành tính chuyên nghiệp, tuân thủ khung thời vụ và kỷ luật trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu là mô hình trồng rau cải mầm đá đã đem lại năng suất và thu nhập cho nhân dân gấp từ 10 - 15 lần so với trồng lúa.

Yên Bái đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm ảnh 4Cây cải mầm đá được trồng tại cánh đồng xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho trọng lượng mỗi cây từ 1,5 đến 2 kg, sản lượng đạt khoảng 30 tấn/ha. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Sau 2 năm trồng thử nghiệm thành công ở huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, cây ớt xanh xuất khẩu đã được trồng đại trà, với diện tích hàng chục héc-ta tại nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái, do Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Quỳnh Anh liên kết với các hộ dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cây ớt xanh dễ trồng, ít sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Ông Đinh Văn Hoa ở thôn Bản Thinh, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn chia sẻ, Tổ hợp tác chúng tôi trồng giống ớt xanh Jalappeno và ớt vàng Banana. Cả hai giống ớt này đều thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Hơn nữa, vùng chuyên canh trồng ớt đã có sự hỗ trợ về máy móc chuyên dụng, công nghệ chăm sóc hiện đại, giảm đáng kể sức lao động cho người nông dân. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời giá hiện cho doanh thu đạt gần 200 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn gấp 10 lần trồng ngô.

Mặc dù suất đầu tư trồng rau màu khá cao nhưng hiệu quả đầu tư mang lại cho người dân thường gấp nhiều lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế hợp tác, liên kết giữa người nông dân với hợp tác xã được hình thành trong quá trình sản xuất, nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được các hợp tác xã cung ứng, hợp tác đầu tư và thu mua theo giá thị trường.

Tuy còn gặp nhiều bất lợi về giá cả các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, nguồn lao động nông nghiệp ở nông thôn thiếu hụt, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn thô sơ đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, vụ đông năm 2022, tỉnh Yên Bái xác định là vụ sản xuất chính trong năm, phấn đấu gieo trồng trên 10.000 ha, với giá trị đạt khoảng 500 tỷ đồng.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm