Xuất khẩu lao động khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có nhiều khởi sắc

Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Cao Như Tám tại xã Điền Lư (Bá Thước, Thanh Hóa) được xây dựng từ số tiền anh Cao Văn Nguyên đi xuất khẩu lao động gửi về. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Cao Như Tám tại xã Điền Lư (Bá Thước, Thanh Hóa) được xây dựng từ số tiền anh Cao Văn Nguyên đi xuất khẩu lao động gửi về. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Tính đến thời điểm hiện tại, 11 huyện miền núi Thanh Hóa có hơn 2.800 người tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường lao động như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Rumani, Ả-rập Xê-út... Nhìn chung, lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm ổn định, thu nhập tốt, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho các địa phương, góp phần vào công tác giảm nghèo ở các huyện miền Tây xứ Thanh.

Xuất khẩu lao động khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có nhiều khởi sắc ảnh 1Anh Nguyễn Cao Cường, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành, Thanh Hóa) đi xuất khẩu lao động 2 năm, sau khi về có vốn mở quán cà phê cho thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Có nghề cơ khí trong tay, tuy nhiên do không có vốn để mở rộng sản xuất, anh Cao Văn Nguyên, xã Điền Lư, huyện Bá Thước mãi loay hoay trên con đường thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Qua tìm hiểu, anh được biết Hàn Quốc đang “mở rộng cửa” đón lao động ngoài nước làm việc theo Chương trình EPS, có sẵn nghề cơ khí trong tay, anh Nguyên đăng ký học tiếng Hàn tại Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh đóng trên địa bàn xã Điền Lư. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, năm 2022, anh bắt đầu sang Hàn Quốc làm việc. Những tháng đầu công việc chưa quen nên đồng lương anh gửi về chưa cao, tuy nhiên đến nay, do đã quen công việc, nên hàng tháng trừ chi phí, anh Nguyên gửi về cho gia đình từ 35 đến 40 triệu đồng.

Trong ngôi nhà 2 tầng rộng rãi, khang vừa mới được hoàn thiện, ông Cao Như Tám (bố đẻ anh Nguyên, ở thôn Điền Giang, xã Điền Lư) phấn khởi cho biết, với số tiền con trai gửi về hàng tháng, gia đình dành dụm xây được ngôi nhà mới khang trang. Gia đình sẽ tích lũy để sau này trở về cháu có vốn để mở dịch vụ kinh doanh trên địa bàn. Xuất khẩu lao động thực sự giúp gia đình tôi thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định.

Xuất khẩu lao động khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có nhiều khởi sắc ảnh 2Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Cao Như Tám tại xã Điền Lư (Bá Thước, Thanh Hóa) được xây dựng từ số tiền anh Cao Văn Nguyên đi xuất khẩu lao động gửi về. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Ông Cao Minh Cầu, Phó Chủ tịch xã Điền Lư cho biết, xã hiện có khoảng 145 lao động đang làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là hai nước Nhật Bản, Hàn Quốc; trong đó, có 79 lao động đang làm việc có thời hạn; số còn lại hết thời hạn hợp đồng trở về quê hương phát triển kinh tế. Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế trong nước nhiều khó khăn, nhưng địa phương đã nỗ lực đưa 28 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt kế hoạch được giao. Các lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có mức thu nhập gửi về gia đình từ 30-40 triệu đồng/người/tháng… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh của người dân trong xã; qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương từ 12% năm 2022 xuống còn 4,13% năm 2023.

Bá Thước hiện có hơn 800 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở 3 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Hằng năm, số ngoại tệ lao động gửi về địa phương đã góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng cao. Đối với những lao động hết thời hạn hợp đồng trở về nước, với số vốn dành dụm được, họ đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Theo ông Mai Đức Quý, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước, địa phương hiện có hơn 71.000 người trong độ tuổi lao động; 10 tháng năm 2023, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, đạt 100%; trong đó xuất khẩu lao động 262 người. Thu nhập bình quân của các lao động ở nước ngoài đạt từ 30 đến 35 triệu/người/tháng. Đối với những lao động có tay nghề như cơ khí, xây dựng mức thu nhập cao hơn từ 40 đến 45 triệu đồng/người/tháng. Để đạt và vượt chỉ tiêu về xuất khẩu lao động, năm 2023, phòng triển khai 5 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động tại 5 cụm xã (mời lao động 9 xã tham dự) thu hút được gần 500 lao động tham gia. Phòng tiếp nhận 57 hồ sơ đề nghị hỗ trợ xuất khẩu lao động, thẩm định phê duyệt 36 hồ sơ hỗ trợ xuất khẩu lao động, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Huyện Thạch Thành hiện có hơn 90.000 người trong độ tuổi lao động, những năm qua, địa phương luôn quan tâm đến việc đào tạo nghề và định hướng việc làm cho người lao động, nhất là việc quan tâm tuyên truyền để người dân tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2022 Thạch Thành đưa 175 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và trong năm 2023, địa phương đưa được gần 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác xuất khẩu lao động, huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người lao động được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn kinh phí giải quyết việc làm với mức vay từ 60 đến 80 triệu đồng/người. Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thành đã giải ngân cho 23 đối tượng vay vốn với hơn 1,6 tỷ đồng

Xuất khẩu lao động khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có nhiều khởi sắc ảnh 3Cán bộ UBND thị trấn Kim Tân, huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hó) tuyên truyền đến người dân về việc hiệu quả khi đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Thạch Thành cho biết, việc đẩy mạnh đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề đi nước ngoài làm việc đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn tiền do xuất khẩu lao động gửi về, các gia đình có điều kiện sửa sang nhà cửa, đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Theo đó, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 7,05%; năm 2023 giảm 2,67%, còn 4,38%...

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, 9 tháng năm 2023, tỉnh đưa được hơn 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 200,4% kế hoạch năm và bằng 126,2% cùng kỳ năm 2022. Ngoài thị trường truyền thống, các đơn vị cung ứng dịch vụ xuất khẩu lao động trong tỉnh cũng từng bước mở rộng những thị trường mới, tiềm năng như: châu Âu, Australia, Đức… Theo tính toán, hàng năm, người lao động Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình khoảng 120 đến 150 triệu USD, tương đương 2.760 đến 3.450 tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác xuất khẩu lao động ở các huyện miền núi có nhiều khởi sắc, hàng nghìn lao động đã xuất cảnh, có việc làm ổn định, mức thu nhập cao. Thời gian tới, các huyện miền núi cần đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động xuất khẩu lao động, giúp người lao động nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Các địa phương chủ động lựa chọn những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có uy tín tham gia xuất khẩu lao động. Bản thân người lao động cần chủ động nâng cao trình độ, tay nghề và trang bị kiến thức cơ bản về văn hóa, con người nước sở tại đến lao động; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, an toàn lao động, tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình sống, làm việc tại nước ngoài.

Khiếu Tư - Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm