Bà con nông dân ở xã Quan Bản (Lộc Bình) khai thác nhựa thông mã vĩ. Nguồn ảnh: nhandan.com.vn |
Cây thông có khả năng chịu lạnh và phù hợp với địa hình đồi núi cao, vì thế đây là cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc khu vực miền núi. Nhựa thông được sử dụng trong các hoạt động sản xuất công nghiệp điện tử như là chất bảo ôn bảng mạch điện tử, chiết xuất tinh dầu thông làm keo dán hoặc xà phòng…
Ở huyện Lộc Bình, cây thông được trồng phổ biến, nhiều hộ gia đình có từ vài nghìn tới hàng chục nghìn cây thông. Đặc biệt trong những năm gần đây, sản phẩm nhựa thông được tiêu thụ mạnh với thị trường chủ yếu là Trung Quốc với mức giá từ 25 – 35 nghìn đồng/kg.
Nhờ thu nhập từ nhựa thông mà nhiều hộ gia đình ở các xã biên giới huyện Lộc Bình đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu ngay tại chính quê hương mình.
Ông Hoàng Văn An ở xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình cho biết: Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ nhựa thông được gần 100 triệu đồng nên cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều.
Cây thông Mã vĩ có đặc tính phân bố tự nhiên, ngoài việc cho sản phẩm gỗ thì sản phẩm là nhựa thông rất tốt. Việc khai thác nhựa đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nhân dân trong huyện với sản lượng trung bình hàng năm khoảng gần 80 nghìn tấn nhựa và giá trị khoảng 250 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, Lương Trọng Quỳnh cho biết, nhận thấy tiềm năng kinh tế từ khai thác nhựa thông, lãnh đạo huyện đã xác định cây thông Mã vĩ là cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu từ chính cây trồng này đối với những hộ gia đình vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều diện tích trồng thông.
Điều này đã được khẳng định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế của huyện trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo đó, ngoài việc chăm sóc, bảo vệ tốt trên 40.000 ha rừng thông đã có, hàng năm huyện luôn có kế hoạch trồng bổ sung và thay thế lượng thông đã khai thác.
Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra hiện tượng khai thác nhựa không đúng kỹ thuật, khai thác cây non chưa đủ tuổi khiến năng suất kém và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của cây thông.
Trước thực trạng đó, Hạt Kiểm lâm của huyện đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật khai thác đúng cách, đúng độ tuổi để có hiệu quả kinh tế.
Ông Hoàng Văn Khi ở xã Quan Bản cho biết, cây thông phải đủ 15 năm trở lên mới được khai thác nhựa và khi khai thác phải đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn thì cây thông mới cho năng suất cao và phát triển bền vững.
Cùng với đó, việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhựa thông cũng là một bài toán mà chính quyền huyện Lộc Bình đã và đang hướng tới. Bởi hiện nay trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 công ty chuyên sơ chế sản phẩm nhựa thông với mức độ tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng nhựa thông toàn huyện. Còn lại bà con chủ yếu tiêu thụ qua các thương lái thu gom nhỏ lẻ hoặc bán trực tiếp sang Trung Quốc do vậy giá cả thường không ổn định.
Hiện huyện Lộc Bình đã chủ động giải phóng mặt bằng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đâu tư xây dựng nhà máy chế biến nhựa thông nhằm tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương, vừa có đầu ra ổn định bớt phụ thuộc việc tiêu thụ vào một thị trường./.
Thái Thuần