Những ngày áp Tết Nguyên đán, tại khắp các làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy trên địa bàn tỉnh Phú Thọ liên tục đỏ lửa, mỗi ngày cho ra thị trường hàng nghìn chiếc bánh, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Các làng nghề như Cát Trù (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê); làng Xốm (xã Hùng Lô), làng Mộ Chu Hạ (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì); làng Trúc Phê (thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) từ lâu đã xây dựng được thương hiệu riêng, tạo danh tiếng cho sản phẩm bánh chưng, bánh giầy của làng.
Với bí quyết gia truyền, niềm say mê giữ lửa trong nghề, làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở các huyện Cẩm Khê, thành phố Việt Trì, huyện Tam Nông đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt, sản phẩm bánh chưng Đất Tổ, xã Hùng Việt xuất sắc vượt qua hàng nghìn món ăn đặc sắc và vinh dự được Hiệp hội Văn hóa Ẩm Thực Việt Nam chứng nhận lọt Top 121 Món ẩm thực Việt Nam tiêu biểu năm 2023.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Ảnh, chủ cơ sở gói bánh chưng làng Cát Trù (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) cho biết, bước vào vụ Tết, gia đình bà phải huy động tất cả các thành viên tham gia gói bánh, trung bình mỗi ngày gói 5.000-6.000 chiếc. Sản phẩm bánh chưng làng Cát Trù đã có mặt khắp thị trường trong và ngoài tỉnh, nhiều siêu thị lớn trong nước cũng đã đặt hàng cung cấp cho thị trường Tết. Theo bà Ảnh, trải qua bao năm tháng, nghề làm bánh chưng trên quê hương bà vẫn luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Để làm bánh chưng đạt tiêu chuẩn tiến Vua, bánh phải có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương. Nhờ hương vị độc đáo, cơ sở bánh chưng Chính Ảnh do bà làm chủ đã có 7 lần đoạt giải cao trong hội thi làm bánh dâng các Vua Hùng ở Phú Thọ.
Làng Xốm (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) được coi là nơi khởi phát bánh chưng dâng Vua Hùng. Từ năm 2017, người dân trong làng đã xây dựng thành công thương hiệu “Bánh chưng Hùng Lô” và phát triển thành làng nghề truyền thống. Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng làng nghề bánh chưng, bánh giầy truyền thống Hùng Lô cho biết, để bánh chưng Hùng Lô nổi tiếng với danh xưng “tiến Vua” là quá trình tích lũy kinh nghiệm qua nhiều đời truyền lại. Bí quyết để làm được những chiếc bánh chưng ngon chuẩn vị truyền thống thì khâu lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu quan trọng nhất. Gạo nếp là nguyên liệu chính của bánh được chọn mua kỹ lưỡng, thường là gạo nếp cái hoa vàng. Thịt lợn ba chỉ loại tươi ngon, đỗ xanh mẩy hạt, nguyên vỏ được ngâm và đãi vỏ mới giữ được mùi thơm. Hiện nay, làng nghề Hùng Lô đã thu hút 30 hộ làm nghề, cung cấp bánh chưng quanh năm, suốt tháng. Sản phẩm bánh chưng của làng cũng đã được lựa chọn là sản phẩm phục vụ ngành du lịch của tỉnh.
Làng nghề Mộ Chu Hạ (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì) lại nổi tiếng với nghề làm bánh giầy. Hiện nay việc sản xuất bánh vẫn duy trì giã bằng cối đá, chày tre. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ từ đời này qua đời khác và cũng là bí quyết để làm bánh giầy thơm dẻ, trắng ngon chuẩn nhất mà không phải địa phương nào cũng làm được. Ông Đỗ Quang Lê, nghệ nhân làm bánh giầy làng nghề Mộ Chu Hạ cho biết, vào tháng Giêng và dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, dân trong làng lại tổ chức hội thi giã bánh giầy để ôn lại truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và chuẩn bị những chiếc bánh giầy dẻo thơm, đậm đà dâng cúng tổ tiên.
Theo sử sách, bánh chưng, bánh giầy được gắn với câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh giầy vẫn được dân tộc Việt Nam gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị và được dâng lên thờ cúng tổ tiên. Hiện nay, nghề làm bánh chưng, bành giầy ở Phú Thọ vẫn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bánh chưng, bánh giầy của các làng nghề truyền thống không chỉ phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, mà mỗi ngày còn cho ra thị trường hàng ngàn chiếc phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của người dân và du khách.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nằm trong dòng chảy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của cư dân Việt, những chiếc bánh chưng vuông, bánh giầy tròn từ truyền thuyết đã được cộng đồng trao truyền, gìn giữ và phát triển thành nghề làm bánh chưng, bánh giầy như hiện nay. Bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ổn định, nghề làm bánh chưng, bánh giầy ngày càng trở thành nhu cầu không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu phục vụ lễ hội và du lịch tâm linh của người dân. Thông qua sự phát triển của nghề đã góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc; thể hiện sự trân trọng thành quả và sự sáng tạo trong lao động của nhân dân. Đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của vùng Đất Tổ đến với du khách trong và ngoài nước.
Đại Lâm