Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống gói bánh chưng, giã bánh giầy

Hơn 10 năm qua, việc duy trì tổ chức Hội thi bánh chưng, bánh giầy tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm là một trong những nỗ lực của tỉnh Hải Dương nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần làm nổi bật giá trị toàn cầu của Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.

vna_potal_hai_duong_gin_giu_net_dep_goi_banh_chung_gia_banh_giay_trong_cac_le_hoi_xuan_7238430.jpg
Các nghệ nhân thi gói bánh chưng. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Hơn 100 nghệ nhân so tài

Sáng 23/2, tại Di tích chùa Côn Sơn, thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh), Hội thi bánh chưng, bánh giầy tỉnh Hải Dương năm 2024 được tổ chức trong sự theo dõi, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo nhân dân và du khách.

vna_potal_hai_duong_gin_giu_net_dep_goi_banh_chung_gia_banh_giay_trong_cac_le_hoi_xuan_7238429.jpg
Các nghệ nhân thi gói bánh chưng. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Hội thi năm nay quy tụ hơn 100 nghệ nhân đến từ 12 đội đại diện cho 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, phần thi gói bánh chưng có 12 đội tham gia; thi giã bánh giầy có 6 đội đăng ký. Mỗi đội thi gói bánh chưng gồm 5 thành viên. Đội thi giã bánh giầy có 6 thành viên.

Các đội thực hiện gói 10 chiếc bánh chưng, gồm 5 chiếc bánh mặn, 5 chiếc bánh chay trong thời gian tối đa 15 phút.

vna_potal_hai_duong_gin_giu_net_dep_goi_banh_chung_gia_banh_giay_trong_cac_le_hoi_xuan_7238435.jpg
Bánh chưng đã được các nghệ nhân gói xong chờ chấm điểm. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

“Sân khấu” trình diễn thi gói bánh chưng và giã bánh giầy là sân Tam quan ngoại chùa Côn Sơn. Sau khi giám sát viên kiểm tra nguyên liệu, hiệu lệnh vang lên, các thành viên đều mặc trang phục lễ hội truyền thống nhanh chóng bắt đầu phần thi của mình.

Mặc dù không dùng khuôn nhưng các nghệ nhân với những đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo đã gói được những chiếc bánh vuông vức, đều tăm tắp. Bánh gói xong được bày trên mâm truyền thống, Ban Tổ chức mã hóa sản phẩm và chấm hình thức bánh, sau đó các đội thi chuyển bánh về khu vực nấu bánh, rồi luộc bánh trong vòng 5 tiếng.

vna_potal_hai_duong_gin_giu_net_dep_goi_banh_chung_gia_banh_giay_trong_cac_le_hoi_xuan_7238428.jpg
Luộc bánh chưng. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Phần thi giã bánh giầy diễn ra buổi chiều. Các đội thi sẽ thực hiện việc đồ xôi, giã bánh và hoàn thiện 5 chiếc bánh trong thời gian 50 phút. Bánh thành phẩm được bày lên mâm truyền thống và trang trí chữ “Phúc”, “Lộc” hoặc “Thọ” màu đỏ bằng chữ Hán Nôm.

vna_potal_hai_duong_nguoi_dan_va_du_khach_no_nuc_xem_thi_gia_banh_giay_7238655.jpg
Các nghệ nhân giã bánh giầy. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Những chiếc bánh chưng, bánh giầy của các đội đoạt giải cao sẽ được Ban Tổ chức tuyển chọn dâng lễ cúng Phật, Thánh và phục vụ Lễ rước bánh chưng, bánh giầy, Lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi và đền Trần Nguyên Đán, gửi gắm mong cầu mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh.

vna_potal_hai_duong_nguoi_dan_va_du_khach_no_nuc_xem_thi_gia_banh_giay_7238657.jpg
Các nghệ nhân giã bánh giầy. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Ban Tổ chức sẽ chọn trao giải Nhất, Nhì, Ba cho từng phần thi gói bánh chưng và giã bánh giầy. Ngoài ra, còn có các giải: Gói bánh chưng nhanh nhất, Bánh chưng đẹp nhất, Bánh chưng ngon nhất, Đồ xôi và giã bánh giầy nhanh nhất, Bánh giầy đẹp nhất, Bánh giầy ngon nhất. Hai đội giành giải cao nhất ở hai nội dung sẽ được chọn đại diện cho Hải Dương tham gia Hội thi bánh chưng, bánh giầy ở Lễ hội Đền Hùng vào dịp mùng 10/3 âm lịch.

vna_potal_hai_duong_nguoi_dan_va_du_khach_no_nuc_xem_thi_gia_banh_giay_7238663.jpg
Các nghệ nhân nặn bánh giầy. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Gìn giữ phong tục đẹp

Truyền thuyết về bánh chưng, bánh giầy kể lại rằng, vào đời Vua Hùng thứ 6, Nhà vua muốn tìm một loại lễ vật để cúng Tiên Vương. Hoàng tử Lang Liêu đã dùng gạo nếp, đỗ xanh, lá dong để gói bánh chưng và giã xôi nếp, nặn thành bánh giầy để làm lễ vật. Hai thứ bánh đó tượng trưng cho trời tròn, đất vuông. Lễ vật của Lang Liêu đã hợp ý Vua Hùng nhất. Vua Hùng đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó, Lang Liêu đã truyền dạy muôn dân làm bánh chưng và bánh giầy để dâng cúng tổ tiên, đặc biệt vào dịp lễ, Tết. Trải qua bao đời nay, phong tục gói bánh chưng, bánh giầy vẫn trường tồn dù xã hội đã có nhiều thay đổi, trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc, minh chứng cho nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Hai món bánh đã trở thành sản vật không thể thiếu trong những mâm lễ vật ngày Tết dâng lên tổ tiên, ông bà.

vna_potal_hai_duong_nguoi_dan_va_du_khach_no_nuc_xem_thi_gia_banh_giay_7238658.jpg
Bánh thành phẩm được bày lên mâm truyền thống và trang trí chữ “Phúc”, “Lộc” hoặc “Thọ” màu đỏ bằng chữ Hán Nôm. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Gia đình nghệ nhân Bùi Quốc Thái ở khu dân cư Tống Xá, phường Thái Thịnh (Kinh Môn) là đội thi giành giải Nhất thi bánh chưng và giải Ba thi bánh giầy ở mùa lễ hội năm 2023. Năm nay, các thành viên của gia đình tiếp tục tham gia với tinh thần rất hào hứng và phấn khởi. Anh Bùi Văn Tấn, con trai nghệ nhân Bùi Quốc Thái cho biết anh năm nay 46 tuổi và đã hơn 30 năm gói bánh chưng.

Từ kinh phí hỗ trợ của Ban Tổ chức, gia đình anh chuẩn bị nguyên liệu gồm gạo nếp cái hoa vàng, đỗ, lạt gói bánh, lá dong. Các nguyên liệu được chọn kỹ lưỡng, có nguồn gốc rõ ràng và sơ chế cơ bản để mang đến hội thi.

Anh Tấn cho rằng với anh và nhiều nghệ nhân đến từ các địa phương trong tỉnh, Hội thi là nội dung rất ý nghĩa trong Lễ hội mùa Xuân, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Niềm vui lớn nhất của gia đình khi tham gia Hội thi là được giới thiệu những sản vật tinh túy nhất của quê hương, tự hào khi được các vật phẩm được dâng cúng Phật, Thánh và được tham gia so tài tại Hội thi bánh chưng, bánh giầy tại Lễ hội Đền Hùng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức, Trưởng Ban giám khảo Hội thi bánh chưng, bánh giầy tỉnh Hải Dương năm 2024 cho biết, từ năm 2012 đến nay, khi Lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, Hội thi được tổ chức thường niên vào dịp Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc vào tháng Giêng, trở thành điểm nhấn trong Lễ hội mùa Xuân được nhân dân và du khách đón đợi.

vna_potal_hai_duong_gin_giu_net_dep_goi_banh_chung_gia_banh_giay_trong_cac_le_hoi_xuan_7238434.jpg
Trao cờ lưu niệm cho các đội tham dự hội thi. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Điểm mới trong hội thi năm nay là Ban Tổ chức tăng thời gian cho các đội luộc bánh chưng, thời gian đồ xôi, giã bánh giầy và giảm thang điểm cho tiêu chí thời gian gói bánh chưng để các đội thi chăm chút cho các thành phẩm được đẹp và chất lượng nhất.

Hội thi bánh chưng, bánh giầy được tỉnh Hải Dương phục dựng và duy trì nhiều năm nay với ý nghĩa gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống là phong tục gói bánh chưng, giã bánh giầy, hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương, tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Mạnh Minh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm