Đường bê tông ở thôn Tân Quang vừa mới được xây dựng, giúp cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân thuận lợi. Ảnh: Quang Đán – TTXVN |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Tân Quang – một trong những thôn điển hình về xây dựng nông thôn mới ở xã Thái Bình cho biết: Thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã được Chi bộ triển khai sâu rộng đến toàn thể đảng viên trong Chi bộ và nhân dân. Hiểu được vai trò, trách nhiệm và ý nghĩa trong việc xây dựng nông thôn mới nên người dân đều hưởng ứng nhiệt tình. Điểm nổi bật nhất trong xây dựng nông thôn mới ở thôn là làm đường bê tông. Thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 1.600m đường bê tông liên thôn, đường ngõ xóm; bê tông hóa trên 600m đường nội đồng; hoàn thành xây dựng được nhà văn hóa khang trang gắn với sân thể thao…
Thôn Tân Quang có 60 hộ dân, kinh tế chủ yếu của người dân trong thôn là trồng cây ăn quả, trồng lúa và phát triển chăn nuôi. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa khang trang… đã giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, kinh tế của người dân trong thôn nhờ đó từng bước được cải thiện, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện thôn còn 6 hộ nghèo nên thời gian tới Chi bộ thôn Tân Quang sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất, nâng cao thu nhập tiến tới thoát nghèo bền vững. Đồng thời, các đơn vị chức năng sẽ vận động người dân thay đổi thói quen sinh hoạt để đảm bảo vệ sinh môi trường… nâng cao các tiêu chí trong xây nông thôn mới.
Xác định phát triển kinh tế là cơ sở để xây dựng nông thôn mới nên trong thời gian qua, công tác vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa đã được xã Thái Bình triển khai đến toàn thể người dân. Nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao đã ra đời, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Là một hộ dân thực hiện mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập khá cao và ổn định ở xã Thái Bình, ông Nguyễn Tá Khải, thôn Hoắc cho biết: Tận dụng lợi thế có diện tích đất rộng, phù hợp cho phát triển trồng trọt nên gia đình ông đã chọn trồng cây ăn quả là hướng phát triển kinh tế chính. Hiện nay, gia đình ông có 2ha cây ăn quả, trong đó có 500 cây bưởi Diễn, 100 cây hồng… Mỗi năm, từ trồng cây ăn quả gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình ông đã được cải thiện rất nhiều…
Nhà văn hóa thôn Tân Quang mới được xây dựng. Ảnh: Quang Đán – TTXVN |
Sự ý thức, chủ động của người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương cũng là lợi thế trong xây dựng nông thôn mới ở xã Thái Bình. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết: Xã Thái Bình có trên 1.200 hộ dân với trên 5.000 nhân khẩu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Do đó, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới năm 2011, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chính quyền cũng vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích với các loại cây trồng phù hợp với đất đai khí hậu tại địa phương: nhãn, na, bưởi… nhằm tăng năng suất, thu nhập cho người dân địa phương, tạo động lực để xây dựng nông thôn mới… Hiện nay, 100% hộ dân xã Thái Bình được sử dụng điện an toàn; trên 90% người trong độ tuổi lao động có việc làm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm… Đời sống của nhân dân trên địa bàn xã từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, xã Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao chưa mang lại hiệu quả, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn, không ổn định. Ngành nghề dịch vụ phát triển chậm và thiếu đồng bộ, giá trị sản phẩm của các ngành nghề còn thấp, thiếu tập trung. Nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu còn hạn chế do ngân sách địa phương gặp khó khăn, chưa huy động được nhiều sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, sự đóng góp của nhân dân. Xã chưa có bãi tập kết rác thải tập trung, ý thức về bảo vệ môi trường của một số người dân chưa cao…
Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn, xã Thái Bình sẽ tiếp tục phân công công việc cụ thể cho từng tổ chức hội, đoàn thể…trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xã thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xây dựng các chuỗi liên kết nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có giá trị; đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Xã cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn sử dụng lao động địa phương, góp phần tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn xã; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức đoàn thể, phát huy nội lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới...
Đường bê tông ở thôn Tân Quang vừa mới được xây dựng, giúp cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân thuận lợi. Ảnh: Quang Đán – TTXVN |
Xã Thái Bình phấn đấu đến năm 2019, hoàn thành và đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu (xã đã đạt chuẩn nâng cao theo quy định); trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang.
Vũ Quang Đán