Xây dựng các mô hình nông nghiệp xanh - sạch - hiệu quả

Na được trồng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Na được trồng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Ngành nông nghiệp và Hội Nông dân Sóc Trăng đang đẩy mạnh chuyển giao xây dựng các mô hình nông nghiệp xanh-sạch-hiệu quả cho nhà nông. Nhờ đó, nông dân Sóc Trăng từng bước nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nhiều mô hình được nhân rộng và ngày càng đem lại thu nhập cao cho các nông hộ.

Xây dựng các mô hình nông nghiệp xanh - sạch - hiệu quả ảnh 1

Nông dân Nguyễn Văn Mỹ (Mỹ Thuân, Mỹ Tú, Sóc Trăng) thành công với mô hình trồng sen lấy bông. Ảnh: laodong.vn

Đơn cử như mô hình trồng hoa sen trên ruộng lúa hay mô hình trồng bông súng trên ao sâu của nhà nông ở huyện Mỹ Tú đã bước đầu cho thu nhập khá cao và ổn định.

Sau nhiều năm trồng lúa hiệu quả không cao, từ 3 năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Mỹ ở ấp Phước Bình, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú đã trồng cây sen Thái trên ruộng lúa. Sen Thái là giống sen mới nên ban đầu ông Mỹ trồng thử 1 ha, chỉ sau 2 tháng đã có thu nhập, có đầu ra ổn định và giá cả bán hoa sen khá cao, 5-6 nghìn đồng/hoa, nên ông Mỹ đã mở rộng trồng lên 3 ha.

Hiện nay, với 3 ha trồng sen, ông Mỹ có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/ngày. Vào những dịp ngày Rằm, mùng 1 âm lịch, hoa sen Thái bán được giá cao hơn, gia đình ông có thu nhập hơn gấp đôi ngày thường.

Ngoài bán hoa sen thì cọng và lá sen cũng được thương lái đặt hàng, trung bình thu được 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Cùng với bán hoa và cọng sen, ông Mỹ thả thêm một số loại cá dưới ao sen, mỗi năm cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Mỹ còn có thêm nguồn thu từ tiền bán giống sen, với mỗi cây giống lên tới 9 triệu đồng/cây.

Theo ông Mỹ, so với trồng lúa, trồng sen có lợi hơn nhiều lần, chỉ tốn công và giống ban đầu còn thu hoạch và bán đều mỗi ngày, công chăm sóc cũng ít hơn trồng lúa, chỉ tốn công thu hoạch và đưa đi tiêu thụ, vào lúc hoa không đủ cung thì người mua đặt trước hoặc đến tận nơi trồng thu mua.

Cũng như ông Mỹ, ở xã Mỹ Thuận, ông Lâm Hoàng Trung, ở ấp Tam Sóc D2, cùng xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú đã mạnh dạn đưa cây bông súng đang được thị trường ưa chuộng xuống trồng trong ao trước đây gia đình đã nuôi tôm kém hiệu quả. Bước đầu, nguồn thu nhập từ bông súng là khá cao và ổn định dù diện tích ông trồng chỉ khoảng 0,4 ha nhưng mỗi ngày ông có thu được vài chục ki lô gam bông súng, bán cho thương lái đến tận nhà thu mua với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng ông Trung có thu nhập gần chục triệu đồng từ bông súng, chưa kể nhiều loại cá ông thả nuôi kèm cũng có thêm khoản thu đáng kể cho gia đình.

Trong danh sách đề cử 100 nông dân đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023 Sóc Trăng có 2 nhà nông vừa đại diện cho nông dân vừa đại diện cho tập thể sản xuất kinh doanh giỏi. Đó là ông Trần Quang Cần, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Phú, ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung.

Lĩnh vực hoạt động của ông Cần là sản xuất tôm thẻ, tôm sú với diện tích khoảng 15 ha. Mỗi năm từ nuôi tôm ông có sản lượng 150 tấn tôm thương phẩm. Trong sản xuất, ông thường xuyên giải quyết việc làm cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng hoặc 250.000 đồng/ngày công lao động.

Bên cạnh đó, ông Cần còn kinh doanh, mua bán tôm thương phẩm, bán thức ăn tôm thẻ và chế biến sản phẩm "tôm một gió"… đem về tổng thu nhập khoảng 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 6 tỷ đồng/năm. Ông cùng Hợp tác xã Hưng Phú đóng góp các nguồn quỹ và phúc lợi xã hội trên 130 triệu đồng, hỗ trợ giúp 5 hộ dân trong vùng thoát nghèo.

Còn ông Nguyễn Hữu Công ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú cũng là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 mới được Trung ương hội Nông dân tặng Bằng khen.

Trong sản xuất, ông Công đã lai tạo cây giống thành công từ cây nhãn long (lạc tiên) qua chanh dây, được đăng ký thương hiệu độc quyền Chanh leo ngọt Sáu Công - Sóc Trăng. Ông cũng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tưới tiêu tự động, hệ thống điều khiển từ xa, thực hiện theo quy trình sản xuất VietGAP. Nhờ vậy, sản phẩm Chanh leo ngọt Sáu Công luôn có giá cao, ổn định, được thị trưởng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ông thường xuyên sử dụng khoảng 65 lao động hàng ngày làm ra các sản phẩm từ trái cây, cây giống chanh leo ngọt, đem lại nguồn lợi nhuận trên 2,7 tỷ đồng/năm cho gia đình.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân Sóc Trăng, với sự đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững..., đến nay, số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có mức thu nhập trên 450 triệu đồng/năm tăng gấp 2,5 lần so với 5 năm trước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng ước đạt trên 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt trên 1,5 tỷ USD. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Sóc Trăng ngày càng được nâng lên nhờ sự đóng góp của những mô hình sản xuất của những nông dân tiêu biểu.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm