Xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, phát triển (Bài 2)

Bài 2: Điểm sáng trong công tác đối ngoại biên phòng

Xác định đối ngoại biên phòng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là biện pháp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo, ban hành các quyết sách quan trọng để duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên các tuyến biên giới, làm điều kiện tiên quyết để xây dựng, phát triển đất nước.

vna_potal_cac_xa_bien_gioi_viet_nam_-_trung_quoc_tang_cuong_hop_tac_trong_xay_dung_quan_ly_bao_ve_bien_gioi_cua_moi_ben_7123634.jpg
Ngày 10/12/2023, tại xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên), Đoàn đại biểu của Đảng ủy, Chính phủ nhân dân trấn Khúc Thủy, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hội đàm và giao lưu văn hóa, văn nghệ với Đảng ủy, UBND hai xã Sen Thượng và Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Việt Nam). Trong ảnh: Đoàn đại biểu xã Sen Thượng và Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Việt Nam) đón Đoàn đại biểu của Đảng ủy, Chính phủ nhân dân trấn Khúc Thủy, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tại đường biên giới. Ảnh: TTXVN phát

Thông điệp về hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực biên giới

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Trong đó, Nghị quyết xác định quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia. Nghị quyết cũng nêu rõ cần tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia.

Giai đoạn 2018 - 2023, quan hệ biên phòng giữa Việt Nam với các nước láng giềng tiếp tục đi vào thực chất, có chiều sâu, hợp tác hiệu quả. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chủ động tham mưu, xây dựng, ký kết các văn bản, thỏa thuận hợp tác quốc tế với các nước láng giềng; triển khai thực thi các vấn đề có liên quan đến quan hệ, hợp tác biên phòng hai bên biên giới.

Công tác phối hợp, quản lý, bảo vệ biên giới với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng được triển khai đồng bộ, thực chất, nền nếp, chính quy. Bộ đội Biên phòng thường xuyên, luân phiên theo định kỳ tổ chức gặp gỡ, tọa đàm theo 3 cấp (Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố và đồn, trạm Biên phòng), trao đổi, phối hợp hiệu quả trên các lĩnh vực hợp tác biên phòng; chủ động phối hợp hiệu quả trong hoạt động tuần tra song phương với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng.

Một điểm sáng trong đối ngoại biên phòng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao là sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức giao lưu hữu nghị biên giới, các hoạt động đối ngoại biên phòng trong tổng thể chung của đối ngoại quốc phòng.

Các chương trình tiêu biểu có thể kể đến như: Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất; Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào (cấp tỉnh năm 2019, 2021 tại Quảng Trị, Quảng Bình); Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ nhất, năm 2023; Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”; Giao lưu công tác chính trị với Công an Biên phòng Trung Quốc ở từng cấp...

Thông qua các chương trình, hoạt động giao lưu biên giới, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, phối hợp công tác giữa Quân đội nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng với Quân đội, lực lượng vũ trang, quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng được củng cố vững chắc, phát triển tốt đẹp.

Dấu ấn rõ nét nhất mà các chương trình giao lưu để lại chính là sức lan tỏa tích cực, ảnh hưởng sâu rộng trong và ngoài nước, nhất là với các cấp chính quyền địa phương và nhân dân hai bên biên giới, góp phần củng cố lòng tin cho nhân dân, truyền tải thông điệp về hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển khu vực biên giới giữa Việt Nam và các nước.

Thực tiễn cho thấy, sau các chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới, Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới các nước đã triển khai nhiều mô hình hợp tác hiệu quả hơn, thực chất và đi vào chiều sâu; tạo tiền đề cho việc mở rộng các chương trình giao lưu lên tầm cao mới với sự tham gia của lực lượng bảo vệ biên giới các nước ASEAN trong tương lai.

Cùng với đó, công tác kết nghĩa đồn, trạm, lực lượng vũ trang hai bên biên giới và tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa “Cụm dân cư hai bên biên giới” là một nội dung quan trọng được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tập trung chỉ đạo triển khai trên toàn tuyến biên giới.

Về công tác kết nghĩa đồn, trạm lực lượng vũ trang, thời gian qua, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã kết nghĩa được trên 80 cặp; kết nghĩa cụm dân cư trên 60 cụm bản. Các hoạt động hợp tác đa phương trong lĩnh vực biên phòng được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng tích cực tham gia các dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế; tham gia hợp tác lĩnh vực quốc phòng, hợp tác biên phòng với các nước theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

vna_potal_cac_xa_bien_gioi_viet_nam_-_trung_quoc_tang_cuong_hop_tac_trong_xay_dung_quan_ly_bao_ve_bien_gioi_cua_moi_ben_7123603.jpg
Ngày 10/12/2023, tại xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên), Đoàn đại biểu của Đảng ủy, Chính phủ nhân dân trấn Khúc Thủy, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hội đàm và giao lưu văn hóa, văn nghệ với Đảng ủy, UBND hai xã Sen Thượng và Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Việt Nam). Hai bên đánh giá khái quát kết quả công tác phối hợp trong thời gian từ năm 2020 đến nay và thống nhất tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật ở khu vực biên giới nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; đẩy mạnh hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường hợp tác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới của mỗi bên… Trong ảnh: Đoàn đại biểu của Đảng ủy, Chính phủ nhân dân trấn Khúc Thủy, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Đảng ủy, UBND hai xã Sen Thượng và Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Việt Nam) ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: TTXVN phát

Đồng thuận, chân thành, trách nhiệm

Năm 2014, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng hai nước tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại hai tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đến nay, Giao lưu đã trải qua 7 lần tổ chức thành công tại nhiều tỉnh biên giới của hai nước.

Trải qua 10 năm, đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng 7 tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn triển khai nhiều mô hình hợp tác hữu nghị đem lại hiệu quả thực chất như: Mô hình kết nghĩa “Đồn - Tiểu đoàn hữu nghị, Biên giới bình yên”; “Đồn - Trạm hữu nghị, cửa khẩu hài hòa”; “Xây dựng đường biên giới kiểu mẫu”; “Tuần tra đoàn kết”; “Rừng cây hữu nghị biên phòng Việt – Trung”. Nổi bật trong số đó là mô hình “Giao lưu công tác chính trị” giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước.

Hai bên đã triển khai nhiều mô hình sinh hoạt chính trị và kết hợp trao đổi, phổ biến kinh nghiệm về công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh. Những hoạt động như: Giao lưu, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với chủ đề “Tăng cường hợp tác, thực thi pháp luật, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên”; “Ngày tuyên truyền chung thương hiệu phục vụ kiểm soát biên phòng” do phía Trung Quốc chủ trì và “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do phía Việt Nam chủ trì; tổ chức bình chọn “Sứ giả hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc”; bình chọn “Đảng viên Đảng cộng sản xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm soát cửa khẩu”... đã đưa giao lưu hợp tác công tác chính trị giữa hai bên ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng 7 tỉnh giáp biên với Trung Quốc đã vận dụng các hình thức, phương pháp đối ngoại linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo thời gian, nhiều sáng kiến, mô hình phối hợp, cách làm hay đã được phổ biến, nhân rộng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Kết quả hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc đã cho thấy sự đồng thuận, chân thành, tinh thần trách nhiệm của hai bên đối với quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống của hai nước; sự quyết tâm chung tay xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển bền vững. (Xem tiếp Bài 3: Tuyến biên giới điển hình)

Hiền Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm