Xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, phát triển (Bài 1)

Năm 2024 đánh dấu 10 năm triển khai sáng kiến tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Năm nay, Giao lưu lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 11 – 12/4 tại tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Chương trình tiếp tục khẳng định là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa chính trị to lớn, được lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực hai bên biên giới đánh giá cao.

Để nhìn lại những kết quả trong hợp tác quốc phòng khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, công tác đối ngoại biên phòng cũng như dấu ấn qua 7 lần tổ chức thành công Giao lưu, phóng viên TTXVN thực hiện chùm ba bài viết: "Xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, phát triển".

vna_potal_dien_bien_tuan_tra_song_phuong_tuyen_bien_gioi_viet_nam_–_trung_quoc_7298348.jpg
Ngày 30/3/2024, tại lối mở A Pa Chải (Việt Nam) và Long Phú (Trung Quốc), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên và Bộ đội Biên phòng khu vực Mông Tự (Trung Quốc) khởi động nghi thức tuần tra liên hợp năm 2024. Ảnh: TTXVN phát

Bài 1: Củng cố niềm tin về quan hệ bền vững

Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định là nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác, láng giềng hữu nghị cùng phát triển giữa các địa phương và quốc gia có chung đường biên giới. Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt coi trọng công tác đối ngoại biên phòng giữa Việt Nam với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc.

Lấy người dân làm trung tâm

Việt Nam có 7 tỉnh phía Bắc có đường biên giới tiếp giáp hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc, tính từ Tây sang Đông gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Năm 2014, lần đầu tiên Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam -Trung Quốc được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Tại Việt Nam, 6 chương trình giao lưu tiếp theo lần lượt được tổ chức tại các tỉnh: Lào Cai (lần thứ 2, năm 2015), Lạng Sơn (lần thứ 3, năm 2016), Lai Châu (lần thứ 4, năm 2017), Cao Bằng (lần thứ 5, năm 2018), Quảng Ninh (lần thứ 6, năm 2021), Cao Bằng (lần thứ 7, năm 2022). Việc lựa chọn địa điểm theo từng năm là luân phiên theo điều kiện phù hợp của cả Việt Nam và Trung Quốc. Với những kết quả thành công nổi bật từ những lần giao lưu trước, Giao lưu lần thứ 8 tiếp tục được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hai nước quan tâm đưa vào chương trình hoạt động đối ngoại song phương năm 2024.

Trong 10 năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn như giao thông đi lại, cơ sở hạ tầng hạn chế, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong giai đoạn 2020 - 2022..., song Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Nội dung ngày càng phong phú với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, có sức lan tỏa cao. Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc trở thành sự kiện đối ngoại mang ý nghĩa chính trị quan trọng, được lãnh đạo các cấp ủng hộ, nhân dân hai nước đồng tình và dư luận quốc tế quan tâm.

Trải qua 7 lần tổ chức, cuộc giao lưu nào cũng thu hút sự ủng hộ, tạo được sự phấn khởi cho người dân vùng biên, vì trung tâm của giao lưu quốc phòng biên giới là nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc giáp biên giới. Nhiều hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ chương trình giao lưu đem lại lợi ích cho nhân dân, như giao lưu kết nghĩa các địa phương hai bên biên giới, hai Bộ Quốc phòng cùng tặng các công trình kỷ niệm nhà hữu nghị biên giới; tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; thăm trường tiểu học; tổ chức tuần tra chung, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trên biên giới, đồng thời tạo điều kiện tốt cho nhân dân hai nước đi lại, giao thương, xây dựng quan hệ tốt đẹp.

Giao lưu biên giới luôn đi liền với hội đàm giữa hai bên, trong đó nội dung quan trọng nhất là bàn giải pháp quản lý tốt khu vực biên giới, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực sự trở thành những người chăm lo, xây dựng, bảo vệ đường biên giới.

Mô hình giao lưu được đánh giá mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thúc đẩy đối ngoại nhân dân, giúp cho nhân dân hai nước có thêm cơ hội giao lưu văn hóa, tiếp xúc, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những công trình mới mang tính biểu tượng và có hiệu quả sử dụng cao như Nhà văn hóa hữu nghị Việt - Trung, các trung tâm giao lưu hữu nghị, giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu tại cửa khẩu, phòng học vi tính… đã giúp người dân khu vực biên giới có thêm địa điểm khang trang, tiện lợi để tổ chức các hoạt động cộng đồng, giao lưu văn hóa, thúc đẩy thương mại, nâng cao dân trí và đời sống.

vna_potal_dien_bien_don_bien_phong_a_pa_chai_viet_nam_tuan_tra_song_phuong_voi_don_cong_an_bien_canh_khuc_thuy_trung_quoc_6821071.jpg
Ngày 7/7/2023, Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Việt Nam) tuần tra song phương với Đồn Công an Biên cảnh Khúc Thủy (Đại đội quản lý biên giới Giang Thành, Trung Quốc), nhằm tiếp tục tăng cường công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, trị an trên khu vực biên giới, lối mở. Ảnh: TTXVN phát

Nâng cao năng lực phối hợp

Trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả. Bảo vệ biên giới lại là vấn đề có tính chất đa phương, xuyên biên giới. Vì vậy, không chỉ bảo đảm nhiệm vụ quản lý chặt chẽ tuyến biên giới, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh - quốc phòng cho đất nước, chúng ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ mối quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới của nước láng giềng. Điểm nổi bật của mô hình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc là góp phần quan trọng thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các đơn vị, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, nâng cao khả năng phối hợp, giải quyết ổn thỏa, kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh ở biên giới ngay từ cấp cơ sở tại địa phương, điển hình như giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh..., góp phần bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh biên giới mỗi nước.

Những hoạt động trong khuôn khổ các chương trình giao lưu như tuần tra chung; diễn tập chung về cứu trợ thảm họa, dịch bệnh..., lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước Việt Nam - Trung Quốc đều thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, năng lực tổ chức chỉ huy, trình độ chiến thuật..., đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng của các cán bộ, chiến sĩ hai nước, qua đó, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện đậm nét phẩm chất quân đội của dân, do dân, vì dân; sáng ngời tinh thần đoàn kết, hữu nghị, đồng chí, anh em Việt - Trung.

Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã trở thành một trong những mô hình tiêu biểu của đối ngoại biên giới và được Bộ Quốc phòng Việt Nam nhân rộng, tổ chức thành công các cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Lào và Campuchia. Phía Trung Quốc đã nhân rộng mô hình hoạt động tương tự với một số nước có chung đường biên giới.

Dự kiến, các hoạt động chính tại Giao lưu lần thứ 8 sẽ được tổ chức cả ở Việt Nam và Trung Quốc. (Xem tiếp Bài 2: Điểm sáng trong công tác đối ngoại biên phòng)

Hiền Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm