Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella cho trẻ em tại xã Đại Xuân, huyện Quế Võ ngày 23/10. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN |
* Bà đánh giá như thế nào về công tác tiêm chủng của Việt Nam thời gian qua?
- Năm 2016 là năm thứ 17 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 11 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Bệnh sởi và bệnh rubella đã được khống chế, không để xảy ra dịch trên toàn quốc. Năm 2016 là năm ghi nhận tỷ lệ mắc sởi thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây với chỉ 46 ca mắc sởi trên cả nước.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98%. Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh đạt 68% tương đương so với kết quả năm 2015. Số trẻ được tiêm vắc xin sởi-rubella trong năm 2016 đạt tỷ lệ 94,6%. Đồng thời, hoạt động uống bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi ở một số vùng nguy cơ cao đã được triển khai tại 120 huyện của 19 tỉnh/thành phố với số trẻ được uống đủ hai liều vắc xin bại liệt đạt 95,3%.
Năm 2016, Việt Nam đã chuyển đổi thành công vắc xin bại liệt 3 tuýp (tOPV) sang sử dụng vắc xin bại liệt 2 tuýp (bOPV) từ tháng 6/2016 theo chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu. Bên cạnh đó, công tác giám sát bệnh trong tiêm chủng mở rộng được tăng cường và hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là giám sát các bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi. Công tác an toàn tiêm chủng cũng được tăng cường.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ trong quản lý hoạt động tiêm chủng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, huy động các nguồn lực cho công tác tiêm chủng trong đó có trách nhiệm đảm bảo nguồn lực từ ngân sách địa phương. Đồng thời, Nghị định cũng đề cao vai trò của cha mẹ trẻ trong việc đưa con đi tiêm chủng.
Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thu hút được sự hỗ trợ của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.
* Năm 2107, công tác tiêm chủng tại Việt Nam còn gặp những thách thức gì, thưa bà?
- Trong năm 2017, tỷ lệ tiêm chủng tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục là thách thức lớn. Vẫn còn tình trạng trẻ tiêm chủng không đủ mũi, tiêm chủng không đúng lịch trên cả nước, tiềm ẩn nguy cơ trẻ có thể mắc bệnh khi chưa được tiêm chủng.
Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu năm 2016 đạt 68% nhưng tại một số tỉnh, thành phố vẫn ở mức thấp dưới 50%. Đáng chú ý là trong năm 2016 đầu năm 2017, dịch bạch hầu, ho gà quy mô nhỏ vẫn xảy ra rải rác trên cả nước, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bệnh bạch hầu, ho gà có nguy cơ gia tăng chủ yếu ở trẻ nhỏ trước độ tuổi tiêm chủng.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh còn gặp nhiều thách thức trước bối cảnh vi rút bại liệt hoang dại hiện vẫn lưu hành ở một số quốc gia vùng Nam Á (Afghanistan, Pakistan). Chính vì vậy, nguy cơ xâm nhập của vi rút bại liệt hoang dại và bùng phát dịch tại một số nước đã từng thanh toán bại liệt vẫn còn hiện hữu, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, việc huy động kinh phí hỗ trợ từ các nguồn lực khác hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác tiêm chủng mở rộng. Đặc biệt, khi Việt Nam đã là quốc gia phát triển với mức thu nhập trung bình thì việc tiếp tục nhận viện trợ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi mức đồng chi trả của Việt Nam khi nhận viện trợ sẽ ngày càng tăng.
* Vậy trong năm 2017, công tác tiêm chủng sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa bà?
- Năm 2017, nhằm duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, Dự án tiêm chủng mở rộng sẽ chú trọng tăng cường công tác giám sát bệnh để phát hiện vi rút bại liệt hoang dại xâm nhập sớm nhất (nếu có) và có kế hoạch sẵn sàng để đáp ứng đối với sự xâm nhập của vi rút bại liệt hoang dại.
Tiếp đó, Dự án tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt cao trong cộng đồng; đặc biệt duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi 8 loại vắc xin đạt trên 95%. Tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ tiêm chủng thấp, hoạt động truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh để người dân có thể tiếp cận dịch vụ tiêm chủng, đảm bảo sự công bằng cho trẻ em ở mọi vùng miền đều được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bằng tiêm chủng.
Bên cạnh đó, Dự án tiêm chủng mở rộng sẽ tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi – rubella trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18 tháng tuổi đạt tỷ lệ trên 90%. Đồng thời, Chương trình tiêm chủng mở rộng tăng cường hoạt động giám sát bệnh sởi, phát hiện sớm các ca nghi sởi và chủ động trong công tác phòng chống dịch của địa phương; tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho các đối tượng trong vùng nguy cơ cao khi cần thiết. Đặc biệt, trước nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát trở lại ở nhóm trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin sởi, Dự án tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành nghiên cứu đánh giá việc sử dụng vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Đây là cơ sở quan trọng để Dự án đưa ra các kế hoạch triển khai vắc xin sởi phòng bệnh chủ động bảo vệ trẻ nhỏ trong thời gian tới.
Để chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ chủ động tổ chức tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản tại các vùng nguy cơ cao về bệnh này. Ngày 12/1/2017, Bộ Y tế đã có Quyết định phê duyệt ‘‘Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ 6-15 tuổi năm 2017-2018” tại 28 huyện của 16 tỉnh/thành phố, huyện nguy cơ cao. Dự kiến sẽ có 177.879 trẻ từ 6-15 tuổi tại các địa bàn nguy cơ cao sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản . Đặc biệt, từ tháng 6/2017 sẽ đồng loạt triển khai đồng bộ Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại tất cả các tuyến trên cả nước.
* Hiện nay, nhiều cha mẹ vẫn có tâm lý e ngại không cho trẻ đi tiêm đúng lịch, đầy đủ vắc xin do có những tai biến sau tiêm chủng. Bà có lời khuyên gì đối với các gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng?
- Tiêm chủng đã cứu sống hàng triệu người và được công nhận rộng rãi là một trong những can thiệp về sức khoẻ thành công nhất và hiệu quả nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hàng năm trên thế giới vẫn còn 19,4 triệu trẻ em chưa được tiêm chủng để phòng bệnh.
Những thông tin về vắc xin và tiêm chủng từ những nguồn tin không chính thống là không chính xác, dẫn đến những hiểu lầm không đáng có của các bậc cha mẹ. Hậu quả là một số trẻ không được tiêm chủng có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy, Tuần lễ tiêm chủng năm nay đã được Bộ Y tế phát động từ ngày 1-6/6 với chủ đề “Hiệu quả của vắc xin” nhằm tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh để người dân hiểu rõ và thực hiện đúng trách nhiệm, đảm bảo trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ và của người được tiêm chủng đã được qui định rõ trong Nghị định 104/NĐ-CP của Chính phủ.
Vắc xin bảo vệ trẻ em khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, rubella… Trẻ em và các đối tượng khác không được tiêm chủng dễ bị mắc bệnh, để lại di chứng và thậm chí tử vong. Với các bệnh truyền nhiễm như sởi, rubella, viêm gan vi rút B..., hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên vắc xin là cách chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất.
Tiêm chủng đồng thời nhiều loại vắc xin trong thành phần vắc xin phối hợp không gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, giúp làm giảm sự khó chịu cho trẻ, đồng thời tiết kiệm thời gian và giảm chi phí. Ngay cả khi vệ sinh và môi trường sống tốt hơn, nguồn nước an toàn và vệ sinh hơn, các bệnh truyền nhiễm vẫn sẽ lây truyền. Nếu hoạt động tiêm chủng không được triển khai thường xuyên thì các bệnh truyền nhiễm đã không còn phổ biến nữa (như bạch hầu, sởi, ho gà, bại liệt) sẽ nhanh chóng quay trở lại.
Chính vì vậy, các gia đình hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm vắc xin đúng lịch, đầy đủ để phòng một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ.
* Trân trọng cảm ơn Phó Viện trưởng!