Trợ giúp pháp lý là chính sách quan trọng của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, đặc biệt là người yếu thế. Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý vẫn còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ và địa lý. Để xóa bỏ rào cản này, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên và chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực truyền thông, cung cấp dịch vụ pháp lý, giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình. Nhờ vậy, người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế được bảo vệ quyền lợi hợp pháp và củng cố niềm tin vào hệ thống pháp luật.
Do đặc thù địa bàn miền núi, biên giới, việc tiếp cận thông tin về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế. Đặc biệt, vấn đề ngôn ngữ là một rào cản lớn, khiến việc truyền đạt thông tin về quyền lợi pháp lý gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên đã chú trọng sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong các buổi tuyên truyền.
Tại bản Hua Pe (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên), một bản đặc biệt khó khăn của tỉnh, người dân chủ yếu là đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú…, các buổi tuyên truyền về quyền lợi pháp lý được tổ chức bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc với sự hỗ trợ của Trung tâm trợ giúp pháp lý.
Chị Lò Thị Lan, bản Hua Pe cho biết, các buổi tuyên truyền bằng tiếng Thái giúp người dân hiểu và nắm được đầy đủ thông tin. Trước đây, chị Lan không biết về Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên nhưng giờ đây chị đã biết khi gặp vướng mắc liên quan đến pháp luật thì có thể nhờ Trung tâm nhờ hỗ trợ.
Với chị Lường Thị Tỉnh, bản Hua Pe, Xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) giờ đây chị đã biết chị cũng như những người khuyết tật khác, trẻ em, người có công với cách mạng sẽ được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí. Điều này khiến chị cảm thấy yên tâm hơn về quyền lợi của mình và gia đình.
Tại xã Nà Khoa, huyện biên giới Nậm Pồ, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông, Thái, Dao… không chỉ xa xôi về địa lý mà còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là các vấn đề pháp lý. Do đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên đã phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện chiến dịch truyền thông mạnh mẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết về độ tuổi kết hôn và quyền lợi của trẻ em khi có giấy khai sinh...
Ông Hầu Văn Dỉ, xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) cho biết, buổi truyền thông giúp ông được tiếp cận với nhiều quy định của pháp luật. Trước đây khi con cái lớn thì dựng vợ, gả chồng theo phong tục tập quán, nhưng đến nay ông đã nắm được rõ quy định về độ tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật.
Nhờ vào các buổi truyền thông và sự hỗ trợ từ cán bộ tư pháp, tình trạng không đăng ký kết hôn và chưa làm khai sinh cho trẻ em tại huyện Nậm Pồ đã giảm đáng kể. Các gia đình đã nhận thức được tầm quan trọng của việc này để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bản thân và gia đình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Nguyễn Hữu Đại thông tin, việc đăng ký khai sinh cho trẻ là quyền và trách nhiệm của cha mẹ cũng như cơ quan hành chính Nhà nước. Để giải quyết các vướng mắc trong quá trình làm thủ tục, huyện đã chỉ đạo cán bộ tư pháp, hướng dẫn phụ huynh và người dân làm đầy đủ thủ tục để đăng ký khai sinh để trẻ được hưởng đầy đủ quyền lợi. Ở huyện Nậm Pồ hiện còn khoảng 70 trẻ chưa được đăng ký khai sinh do bố mẹ chưa đăng ký kết hôn.
Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên Lê Thị Diệu chia sẻ, có trên 80% người dân ở tỉnh thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên đặc thù địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn cùng với tâm lý e ngại khiến họ chưa tiếp cận với công tác trợ giúp pháp lý và chính sách trợ giúp pháp lý. Để giải quyết vấn đề này, việc nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân tìm đến các dịch vụ trợ giúp pháp lý là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt việc tuyên truyền, cung cấp thông tin rõ ràng và dễ tiếp cận quyền lợi pháp lý, đồng thời giảm thiểu các rào cản như ngôn ngữ, địa lý.
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên đã thực hiện đa dạng các hình thức truyền thông như cầm tay chỉ việc, xuống họp dân và gặp gỡ trao đổi với người dân; truyền thông qua các phóng sự trên các phương tiện báo chí và mạng xã hội,…
Ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cho biết, công tác trợ giúp pháp lý ở tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu nhờ công tác truyền thông hiệu quả. Trong năm 2024, gần 500 lượt truyền thông đã được thực hiện ở các thôn, bản, nâng cao nhận thức pháp lý của người dân. Tỉnh cũng triển khai Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế,” với mục tiêu cải thiện chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý và nâng cao quyền năng pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng. Thông qua các hoạt động truyền thông và dự án đã giúp người dân tiếp cận những kiến thức pháp luật thiết yếu, từ đó bảo vệ quyền lợi hiệu quả hơn.
Xuân Tư