Về các xã để trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Bình

Từ ngày 9 - 16/4, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình (thuộc Sở Tư pháp tỉnh) tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương, Xích Thổ, Phú Sơn (huyện Nho Quan). Đây là các địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

vna_potal_giao_duc_phap_luat_va_tro_giup_phap_ly_cho_dong_bao_dan_toc_thieu_so_7317728.jpg
Cán bộ tư pháp trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Xích Thổ. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Tại hội nghị, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi quan tâm đến các vấn đề liên quan như: Quyền sử dụng đất ở, đất lâm nghiệp, các quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chế độ quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, quy định sử dụng đất chăn nuôi... Các vấn đề này đã được cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình tuyên truyền và trợ giúp pháp lý.

vna_potal_giao_duc_phap_luat_va_tro_giup_phap_ly_cho_dong_bao_dan_toc_thieu_so_7317732.jpg
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình, tuyên truyền pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số xã Xích Thổ. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình cho biết, triển khai kế hoạch của Sở Tư pháp tỉnh về thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025), Trung tâm đã đưa cán bộ về địa bàn các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý. Chương trình góp phần đảm bảo công bằng trong tiếp cận pháp luật của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng các mô hình điểm tại địa phương, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời tiếp cận pháp luật và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý có chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

vna_potal_giao_duc_phap_luat_va_tro_giup_phap_ly_cho_dong_bao_dan_toc_thieu_so_7317729.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Xích Thổ được phát tờ gấp pháp luật tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Thời gian tới, Trung tâm tăng cường phối hợp với các cấp, ngành nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng nhiều loại hình. Trong đó, chú trọng các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm các đối tượng yếu thế trong xã hội để người dân biết đến và tin tưởng hoạt động trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Đơn vị tăng cường công tác trợ giúp pháp lý tại cơ sở và tuyên truyền với các hình thức phù hợp cho từng đối tượng, địa bàn; nhất là áp dụng phương pháp truyền thông tích cực "lấy người dân làm trung tâm". Trung tâm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý đối với hoạt động tổ chức thẩm định chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý; qua đó có những điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Năm 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã triển khai tổ chức 18 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi huyện Nho Quan với gần 2.000 người tham gia; cấp phát 8.000 tờ gấp pháp luật; 4.500 cẩm nang về trợ giúp pháp lý cho người dân tại các xã, thôn được thụ hưởng chương trình. Trung tâm tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng điểm về kỹ năng, kiến thức trợ giúp pháp lý cho 160 cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý và 810 người là hòa giải viên, trưởng thôn, trưởng bản, cán bộ chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng trên địa bàn huyện Nho Quan.

Hải Yến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm