Ông Phan Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN |
Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh An Giang Cao Thanh Sơn cho biết: Thời gian qua, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh An Giang tuy có tăng nhưng so với yêu cầu chung và đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý tại tỉnh thì vẫn còn thấp. Trên địa bàn tỉnh, nhiều người thuộc diện được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước chưa biết để yêu cầu hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có văn bản yêu cầu chưa nhiều, từ đó số vụ việc trợ giúp pháp lý còn hạn chế so với số phát sinh trong thực tế.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN |
Để công tác trợ giúp pháp lý trong và ngoài tố tụng trên địa bàn tỉnh An Giang đạt hiệu quả, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh An Giang sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích cho bị can, bị cáo, đương sự... về quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Đồng thời, kịp thời trao đổi, phản ánh về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; thực hiện việc đăng ký tham gia tố tụng và gửi các văn bản, quyết định tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên kịp thời, đúng quy định và bảo đảm 100% đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý có trợ giúp pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng khi có yêu cầu.
Ông Trần Khánh Dân, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh An Giang cho biết: Thời gian tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước sẽ tăng cường tổ chức trợ giúp pháp lý tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn trợ giúp pháp lý với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang. Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh An Giang cũng thường xuyên trao đổi phản ánh về chất lượng, hiệu quả tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên về Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước; kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả phối hợp thực hiện trợ giúp pháp trong hoạt động tố tụng phải khách quan, kịp thời, đúng quy định. Từ đó, đề ra phương hướng phối hợp giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng…
Trong năm 2018, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh An Giang đã thực hiện 169 vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng liên quan đến 176 đối tượng, tăng 51 vụ so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện được 141 vụ việc, luật sư cộng tác viên thực hiện được 28 vụ việc. Đối tượng được trợ giúp pháp lý là người nghèo, người có công, trẻ em, người bị buộc tội từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người dân tộc thiểu số, người già và người khuyết tật.
Năm 2018, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh An Giang cũng tổ chức 4 cuộc kiểm tra đối với các cơ quan liên ngành cấp huyện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm rút ra kinh nghiệm và có giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động phối hợp. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng trong thực hiện...
Thanh Sang
TTXVN