Thực hành nông lâm kết hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên

Thực hành nông lâm kết hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Quốc Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Quốc Cường phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả các mô hình nông lâm kết hợp trên các phương diện kinh tế - xã hội và môi trường; qua đó khuyến cáo áp dụng những mô hình phù hợp cho vùng lưu vực sông Sêrêpôk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Hội thảo tập trung vào các nội dung như: Tổng quan chính sách về phát triển nông lâm kết hợp tại Việt Nam, đánh giá và đề xuất thực hành các mô hình nông lâm kết hợp khả thi cho vùng lưu vực sông Sêrêpôk, hiện trạng suy thoái đất và sáng kiến chống khô hạn bằng mô hình nông lâm kết hợp, kinh nghiệm về sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Lắk. Các đại biểu cũng chia sẻ khó khăn, hiệu quả khi thực hiện mô hình nông lâm kết hợp, giải đáp những thắc mắc xoay quanh các chính sách của Nhà nước và hậu quả lâu dài của mô hình nông lâm kết hợp.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới, việc khai thác quá mức tài nguyên rừng, chuyển đổi rừng và đất rừng sai mục đích làm cho rừng ở Tây Nguyên bị suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng những năm gần đây. Giai đoạn 2010 – 2014, tổng diện tích rừng Tây Nguyên giảm hơn 300.000 ha, độ che phủ còn 48,5%. Đơn cử, tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk), từ năm 2010 – 2017, diện tích rừng giảm gần 13.000 ha; ở huyện Lắk (Đắk Lắk), từ năm 2015 – 2017, diện tích rừng và đất lâm nghiệp giảm 121,41 ha. Mất rừng làm cho lượng nước ngầm trong lòng đất trở nên cạn kiệt, ảnh hưởng đến lượng nước tưới tiêu và làm giảm năng suất cây trồng. Ngoài ra, việc áp dụng các phương thức quản lý và sử dụng đất thiếu bền vững, đặc biệt là trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay đã gây ra tình trạng xói mòn đất và suy giảm thảm thực vật.

Đại biểu chia sẻ, giải đáp thắc mắc và kinh nghiệm trong thực hành mô hình nông lâm kết hợp. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
Đại biểu chia sẻ, giải đáp thắc mắc và kinh nghiệm trong thực hành mô hình nông lâm kết hợp. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Thư, Cán bộ Chương trình Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới cho biết: Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải áp dụng các công nghệ mới và thực hành tiến bộ trong canh tác và sản xuất nông lâm nghiệp để nâng cao chất lượng và sản lượng của các mặt hàng nông lâm sản, đồng thời thể hiện trách nhiệm với môi trường sinh thái. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ thống nông lâm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các hệ thống độc canh do tạo ra được sự đa dạng về sản phẩm trên cùng một diện tích. Về mặt môi trường, hệ thống nông lâm kết hợp góp phần cải thiện độ ẩm và độ phì của đất, đồng thời làm giảm tình trạng thiếu nước trong mùa khô.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Quốc Cường đánh giá cao những thông tin hữu ích từ các chuyên gia, đồng thời bày tỏ hy vọng kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở để nghiên cứu, xem xét mô hình nông lâm kết hợp phù hợp cho tỉnh Đắk Lắk thời gian tới. Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk mong muốn hội thảo sẽ phân tích rõ những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn và dài hạn cho phát triển hiệu quả mô hình nông lâm kết hợp, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở tỉnh Đắk Lắk, nhất là ở vùng lưu vực sông Sêrêpôk.

Ngày 19/12/2018, các đại biểu đi tham quan thực tế 2 mô hình nông lâm kết hợp tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Hoài Thu

Có thể bạn quan tâm