Phát huy vai trò của y tế cơ sở ở vùng cao Lào Cai

Phát huy vai trò của y tế cơ sở ở vùng cao Lào Cai
Từ câu chuyện của cán bộ y tế cắm bản

Theo ông Nông Tiến Cương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai, tỉnh có khoảng trên 64% là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Do vậy, hoạt động y tế chủ yếu và quan trọng nhất là tiếp cận vận động tuyên truyền người dân vệ sinh ăn ở, giữ gìn nguồn nước, đường làng ngõ xóm, khi ốm đau tìm đến cơ sở y tế…Để làm được điều đó, không thể kể hết những gian nan, khó khăn và hy sinh của các cán bộ y tế cắm bản bình dị.

Chia sẻ với chúng tôi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai Tráng Lèn Sơn nhớ như in những ngày tháng về cắm bản giúp dân chữa bệnh. Là người địa phương, năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Lào Cai, anh trở về quê hương nhận công tác cắm bản. Không quá bỡ ngỡ như những cán bộ y tế  khác, anh Sơn rất hiểu xã vùng biên với 406/670 hộ nghèo này. Ở đây cái gì cũng thiếu nhưng chỉ có duy nhất hủ tục là thừa. Thầy mo chính là nhân vật “ngự trị” trong đời sống của đồng bào. Với đồng bào, thầy mo giúp họ chữa bệnh, đuổi tà ma…

Anh Tráng Lèn Sơn kể: “Trước kia, người dân bị bệnh thường không đi khám bởi theo quan niệm của đồng bào chỉ cần mời thầy mo về cúng sẽ khỏi bệnh. Nếu không khỏi sẽ nằm chờ chết chứ không đi bác sỹ’. Vì vậy, thời điểm đó, nhiều người dân Lùng Vai bị tử vong tại nhà bởi những căn bệnh như viêm phổi…

Đến năm 2010, một sản phụ trong thôn Cốc Lầy đẻ khó nguy cơ bị băng huyết. Giữa đêm, khi y tế thôn bản gọi điện báo, anh Sơn cùng vợ (đồng nghiệp) vượt 18 km đường núi từ trung tâm xã vào thôn. Nhờ cấp cứu kịp thời, sản phụ đã qua cơn nguy kịch, mẹ tròn con vuông.

Từ vụ việc này, người dân trong bản bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn về cán bộ y tế và trạm y tế. Họ đã nghe theo lời khuyên của thầy thuốc, biết mặc ấm vào mùa đông để phòng bệnh viêm phổi, biết giữ gìn vệ sinh thân thể và nơi ở để không bị lây bệnh. Đặc biệt, thói quen sinh đẻ tại nhà của phụ nữ địa phương đã thay đổi. Hiện, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Lùng Vai chỉ ở mức 0,8%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của toàn tỉnh.

Anh Tráng Văn Hùng, cán bộ y tế thôn Cốc Cài, người vừa được Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tặng Bằng khen với thành tích 12 năm thôn không có người sinh con thứ 3 cho biết, với người dân tộc thiểu số tuyên truyền nhiều không bằng một việc làm cụ thể. Họ nhìn thấy người khác làm tốt họ sẽ tự động nghe và làm theo.

Số bệnh nhân chuyển tuyến giảm 50%

Năm 2015, xác định vai trò và tầm quan trọng của trạm y tế, tỉnh Lào Cai đã đưa toàn bộ 164 trạm y tế trên địa bàn tỉnh từ UBND huyện về ngành quản lý. Đồng thời, tỉnh xác định đây là vị trí chiến lược quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Hiện, ở Lào Cai, 164 trạm y tế trên địa bàn 164 xã, phường, thị trấn đã có đội ngũ cán bộ hoàn chỉnh theo cơ cấu và đủ điều kiện đáp ứng giải quyết các vấn đề y tế trên địa bàn. Ngoài ra, dưới cấp xã còn có hệ thống cán bộ y tế thôn bản được đào tạo cơ bản. Bên cạnh đó, tỉnh có 164 tổ phòng chống dịch bệnh xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát dịch bệnh, khoanh vùng ổ dịch, quản lý và dự phòng sự lây lan trong phạm vi nhỏ hẹp như gia đình, thôn bản...

Vấn đề vệ sinh môi trường là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh. Tỉnh Lào Cai đã giao ngành Y tế là cơ quan thường trực công tác vệ sinh môi trường nông thôn. Trên cơ sở đó, ngành Y tế Lào Cai đã thực hiện hiệu quả "Mô hình vệ sinh phong trào nông thôn" trên toàn tỉnh và sẽ nhân rộng thời gian tới.

Bên cạnh đó, gần 2.000 cán bộ y tế thôn bản, 1.000 cán bộ trạm y tế (trung bình 6 cán bộ/trạm) của tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã nỗ lực tiêm chủng đầy đủ cho trẻ ở các lứa tuổi và bà mẹ mang thai đạt 95,5%. Đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề môi trường như nguồn nước, phân, rác thải, sinh hoạt trong gia đình, nhờ đó dịch bệnh không phát triển...Tại các đám hiếu, hỷ, gia chủ  được cán bộ y tế tư vấn cách lựa chọn thực phẩm sạch, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn.  Cách làm này này được áp dụng tại 164 xã, phường, thị trấn trên 2.000 thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Lào Cai chỉ ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các hộ dân do điều kiện bảo quản không tốt.

Từ năm 2015 đến nay, dù lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt trung bình 3 triệu lượt người/năm với khoảng hơn 30% là du khách nước ngoài tham gia du lịch cộng đồng, ăn nghỉ với người dân, song trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra, đặc biệt không có tử vong về người. Hơn nữa, chỉ số bệnh nhân phải chuyển tuyến của Lào Cai trong những năm qua giảm gần 50%. Lào Cai đã được Bộ Y tế đánh giá cao và coi là điểm sáng về thực hiện công tác y tế dự phòng ở cơ sở.

Tuy nhiên, theo ông Nông Tiến Cương, chỉ số khám sức khỏe cho đồng bào dân tộc ở các trạm có chuyển biến đáng kể thể hiện quỹ khám chữa bệnh đã không đủ để phục vụ dịch vụ y tế cung cấp tại xã. Do đó, thời gian tới, đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam điều chỉnh nâng quỹ để phục vụ cho tuyến xã.

"Nếu làm được như vậy việc điều trị tuyến xã sẽ hiệu quả, thiết thực hơn, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, phát huy tối đa tầm quan trọng của y tế cơ sở…", ông Nông Tiến Cương nhấn mạnh.
Hương Thu

Có thể bạn quan tâm