Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2:

Lào Cai nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao

Lào Cai nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao
Tập trung nguồn lực cho cơ sở

Là địa phương có cộng đồng dân cư đa sắc tộc, một bộ phận đồng bào dân tộc sống tại các khu vực miền núi hẻo lánh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hạn chế, đường giao thông không thuận lợi. Vì vậy, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe toàn dân, ngành Y tế Lào Cai hướng hoạt động y tế về cơ sở, trong đó hạt nhân chính là trạm y tế.

Ông Nông Tiến Cương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết, trong những năm qua, ngành Y tế địa phương luôn nỗ lực chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt chú trọng hướng y tế về cơ sở và chủ động liên kết, hội nhập để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho người dân trên địa bàn. Xác định vai trò và tầm quan trọng của trạm y tế, tỉnh Lào Cai đã đưa toàn bộ 164 trạm y tế trên địa bàn tỉnh từ UBND huyện về ngành quản lý.

Hiện ở Lào Cai, 164 trạm y tế trên địa bàn 164 xã, phường, thị trấn đã có đội ngũ cán bộ hoàn chỉnh theo cơ cấu và đủ điều kiện đáp ứng giải quyết các vấn đề y tế trên địa bàn. Ngoài ra, dưới cấp xã còn có hệ thống cán bộ y tế thôn bản được đào tạo cơ bản. Bên cạnh đó, tỉnh có 164 tổ phòng chống dịch bệnh xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát dịch bệnh, khoanh vùng ổ dịch, quản lý và dự phòng sự lây lan trong phạm vi nhỏ hẹp như gia đình, thôn bản...

Tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của liên bộ Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về việc tuyến huyện thực hiện sáp nhập thành Trung tâm Y tế huyện, thực hiện 2 chức năng khám chữa bệnh và dự phòng (trừ những huyện có bệnh viện đa khoa đạt hạng 2). Theo đó, tỉnh đã giải thể 14 phòng khám đa khoa khu vực không còn phù hợp, kém hiệu quả; đồng thời nâng cấp 18 phòng khám đa khoa khu vực còn lại thành cơ sở 2, cơ sở 3 của bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế huyện. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế trực thuộc Trung tâm y tế huyện.

Tháng 5/2018, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế sau khi kiểm tra hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Lào Cai đã đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc xắp xếp tổ chức bộ máy y tế cơ sở như thành lập trung tâm y tế huyện 2 chức năng, hoàn thiện các phòng khám đa khoa khu vực; đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn có trạm y tế xã, thực hiện 2 chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh hoặc chỉ thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu tùy thuộc tình hình địa phương.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng y tế đối với các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, các đơn vị y tế tích cực triển khai các mô hình sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Các đề tài như: "Nghiên cứu về gen bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) ở một số đồng bào dân tộc ít người của Lào Cai", "Mô hình thực hành cải thiện chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ dựa vào cộng đồng", Mô hình "Làng sức khỏe", thực hiện tại các thôn bảo huyện Bắc Hà, Mường Khương... đã góp phần giúp người dân xóa bỏ các tập quán lạc hậu, cam kết giữ vệ sinh làng bản, không họp chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường, nắm vững các kiến thức về phòng chống các loại dịch bệnh thông thường, đồng thời cung cấp kiến thức giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ giống nòi và tương lai dân tộc.

Phát triển các bệnh viện vệ tinh

Mặc dù là địa phương có nhiều lợi thế về mọi mặt, từ phát triển du lịch cho đến vị trí chiến lược, tiếp giáp với nhiều vùng kinh tế trọng điểm, nhưng nhận thức của người dân Lào Cai về việc khám, chữa bệnh còn khá hạn chế. Việc chuyển tuyến lên các sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương cũng gặp nhiều khó khăn do khoảng cách vị trí địa lý quá lớn.

Từ năm 2013 đến nay, Lào Cai đã triển khai hiệu quả đề án Bệnh viện vệ tinh tại 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai (vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức), bệnh viện Sản Nhi (vệ tinh của bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương), Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương (vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Việc đưa đề án bệnh viện vệ tinh về Lào Cai không chỉ giúp người dân có cơ hội được khám, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, mà còn góp phần giảm tải tuyến Trung ương.

Từ chỗ còn nhiều hạn chế về chuyên môn và kỹ thuật, Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai "thay da, đổi thịt". Nhờ đề án bệnh viện vệ tinh do Bệnh viện Phụ sản Trung ương đóng vai trò hạt nhân thuộc chuyên ngành sản phụ khoa với 12 gói kỹ thuật chuyển giao, Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai hiện có thể tiếp nhận thành thục những kỹ thuật khó, phức tạp từ Trung ương, điều mà trước đây chính các y bác sĩ và người dân cũng không dám nghĩ tới. Những điều này góp phần giúp Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai ngày một hoàn thiện, hướng đến trở thành bệnh viện đầu ngành của tỉnh và khu vực.

Tương tự, sau 2 năm hoạt động theo mô hình bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương đã từng bước làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu ngang tầm các bệnh viện tuyến trên do đó năng lực khám và điều trị đã nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Thông qua đề án bệnh viện vệ tinh, đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương đã tự tin, làm chủ những kỹ thuật khó, phức tạp. Những căn bệnh cần điều trị với yêu cầu chuyên môn cao và máy móc hiện đại như: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch… đã dần được thực hiện ngay tại đơn vị, giúp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên.

Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế được xác định là một trong các mũi nhọn nhằm thu hút thêm các nguồn lực phục vụ sự phát triển ngành y tế và nâng cao sức khỏe người dân. Là địa bàn biên giới, Lào Cai đặc biệt quan tâm công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu du lịch, cửa khẩu; hợp tác chặt chẽ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh, duy trì thường xuyên 4 hoạt động cơ bản: Phòng chống HIV/AIDS, sốt xuất huyết và phòng chống lây truyền sốt rét, phòng chống dịch bệnh qua biên giới giữa thành phố Lào Cai và huyện Hà Khẩu (Trung Quốc)...

Ngoài ra, Lào Cai hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong triển khai nhiều dự án quan trọng. Gần đây nhất là các dự án như: "Dự án chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em dựa trên đội ngũ cô đỡ thôn bản tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2018" do tổ chức Samaritan's Purse tài trợ, "Dự án chăm sóc, chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS" do quỹ chăm sóc sức khỏe HIV/AIDS tài trợ, "Dự án an ninh y tế khu vực tiểu vùng sông Mê kong mở rộng" do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, "Dự án sáng kiến khu vực và ngăn chặn loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin giai đoạn 2018-2020" do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ...

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ y tế, giai đoạn 2017-2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai và 4 bệnh viện tuyến tỉnh khác cũng đang thực hiện tự chủ tài chính theo chủ trương của tỉnh trong giai đoạn 2017-2020, phấn đấu đến năm 2020, một số bệnh viện sẽ tự chủ 100%.
Hương Thu

Có thể bạn quan tâm