Hướng tới những dòng sông không rác thải nhựa ở Việt Nam

Hướng tới những dòng sông không rác thải nhựa ở Việt Nam
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, thành phố luôn chú trọng tìm kiếm các giải pháp quản lý, xử lý chất thải, trong đó có những giải pháp xử lý, nghiên cứu tiềm năng để tận dụng chất thải từ vật liệu nhựa một cách hiệu quả.

Việc tìm kiếm các giải pháp mới, hữu hiệu, phù hợp với tình hình  thực tế về địa lý, tự nhiên, kinh tế- xã hội của thành phố là những nội dung cần được sự quan tâm của chính quyền  địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng. Thành phố Cần Thơ mong muốn các chuyên gia, các tổ chức quốc tế đóng góp kinh nghiệm về xử lý tái chế chất thải rắn nói chung, rác thải nhựa nói riêng cho cơ quan quản lý nhằm giải quyết khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý, xử lý chất thải rắn hiện nay.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ Nguyễn Chí Kiên, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được quan trắc trong năm 2016 là 930 tấn/ngày, tăng so với năm 2015 là 11 tấn/ngày, trong đó lượng phát sinh ở các quận trên địa bàn thành phố là 605 tấn/ngày, các huyện là 325 tấn/ngày. Thành phần rác thải sinh hoạt dễ phân hủy chiếm 83,6%, nhựa cao su chiếm 8,7%, các loại còn lại chiếm 7,4%. Tại Cần Thơ, bình quân lượng chất thải rắn năm 2016 khoảng 0,74kg/người/ngày, tăng 0,01 kg/người/ngày so với năm 2015. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn thành phố đạt khoảng 650 tấn/ngày.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Thiện - TTXVN
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Thiện - TTXVN

Khó khăn lớn nhất trong việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay ở Cần Thơ đó là chưa được thu gom phân loại tại nguồn. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang sử dụng là chôn lấp và từng bước chuyển qua công nghệ đốt nhưng các lò đốt hiện chưa có chức năng thu hồi năng lượng, gây khó khăn trong kiểm soát chất lượng khí thải ra môi trường. Thành phố Cần Thơ đang tìm giải pháp xử lý bằng các công nghệ tiên tiến khác nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như các vấn đề về môi trường.

Theo bà Sabine Voermans,Trường Đại học Khoa học và ứng dụng Hà Lan, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa cao nhất thế giới. Đây là nguyên nhân tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, gây ô nhiễm nguồn nước. Hà Lan đã triển khai dự án Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế Rotterdam. Ý tưởng này có thể áp dụng tại thành phố Cần Thơ, trong đó khu vực rạch Cái Khế, nằm ngay Trung tâm thương mại Cái Khế, quận Ninh Kiều là nơi có đủ điều kiện để triển khai dự án xây dựng Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế ở thành phố Cần Thơ.

Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế bao gồm hệ thống thu gom rác thải nhựa từ các nhánh sông sau đó rác thải nhựa được tái chế và sử dụng làm các bệ nổi. Bệ nổi được hình thành thông qua việc kết nối các khối lục giác lại với nhau; đồng thời thảm thực vật sẽ được tạo ra ở mặt trên và mặt dưới bệ nổi...

Bà Sabine Voermans cho biết, việc xây dựng Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế ở thành phố Cần Thơ sẽ không làm hết được lượng rác thải của thành phố cũng như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đây là một trong những sáng kiến góp phần làm giảm lượng rác thải cho khu vực, giúp thành phố Cần Thơ xanh, sạch hơn. Bên cạnh đó, ý tưởng này cũng góp phần thu gom rác thải trôi nổi trên sông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái tạo hệ sinh thái sông, nâng cao nhận thức của người dân Cần Thơ nói riêng và người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung về môi trường.
Ngọc Thiện

Có thể bạn quan tâm