Hơn 2.000 hộ dân ở huyện Mai Sơn bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm

Hơn 2.000 hộ dân ở huyện Mai Sơn bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm
Khu vực cấp nước thô cho Nhà máy xử lý nước Nà Sản (Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn) chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Khu vực cấp nước thô cho Nhà máy xử lý nước Nà Sản (Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn) chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Theo thông tin từ Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn, trong các ngày 18 -19/11, nguồn nước thô của Nhà máy cấp nước Nà Sản bị ô nhiễm. Nước có mùi hôi khó chịu, chuyển màu đen, không thể sản xuất được. Đặc biệt, từ 7 giờ 30 phút ngày 19/11, nguồn nước nặng mùi và màu đen hơn. Đến ngày 20/11, nguồn nước vẫn chưa hết mùi và có dấu hiệu ô nhiễm nặng hơn. Do vậy, nhà máy chưa thể xử lý để cấp nước phục vụ khách hàng.

Để tìm hiểu nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, chúng tôi đã cùng các cán bộ của Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La đến khu vực được xem là đầu nguồn của mạch nước ngầm dẫn đến nhà máy xử lý. Khu vực này thuộc địa bàn các xã Chiềng Ban và Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Thời gian này, tại đây đang vào vụ thu hoạch cà phê. Chính vì vậy, hoạt động sơ chế, tách vỏ cà phê tại các cơ sở sản xuất hoạt động rất nhộn nhịp. Điều đáng nói, nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải từ hoạt động sơ chế mà đổ trực tiếp ra kênh mương, ruộng lúa xung quanh. Tại đây, có thể dễ dàng thấy những bể chứa nước thải màu đen, bốc mùi khó chịu từ các cơ sở sản xuất cà phê. Từ những bể chứa này, nước thải đã chảy về các nguồn nước tập trung và ngấm vào mạch nước ngầm.

Ông Lò Văn Thanh, chủ cơ sở sơ chế cà phê tại xã Chiềng Mung cho biết, vào chính vụ trung bình mỗi ngày cơ sở của ông sơ chế khoảng 20 tấn cà phê tươi. Mỗi tấn cà phê phải sử dụng khoảng 700 lít nước. Lượng nước thải sau khi sơ chế được ông dẫn vào hệ thống ao được đào ngay cạnh cơ sở sản xuất. Một phần nước thải được đưa vào các bể không có lót bạt chống thấm và chảy thẳng ra môi trường. Trong quá trình sản xuất, cơ sở của ông đã được chính quyền địa phương tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường, nhưng do chi phí đầu tư cao nên không thể làm hệ thống xử lý nước thải như các doanh nghiệp lớn.   

Việc các cơ sở sơ chế cà phê xả thải trực tiếp ra môi trường không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ dân sinh sống lân cận. Bà Hoàng Thị Thu, bản Nong Nái, xã Chiềng Mung, cho biết hàng năm cứ vào vụ thu hoạch cà phê, khi hoạt động sơ chế bắt đầu cũng là lúc ao nuôi cá của gia đình bà bị ảnh hưởng. Khoảng từ đầu tháng 10 hàng năm, nguồn nước trong ao bắt đầu chuyển dần sang màu đen và bốc mùi hôi khó chịu. Ao bị ô nhiễm làm cá nuôi ở trong ao bị chết. Trước đây, gia đình bà vẫn dùng nguồn nước từ ao để sinh hoạt hàng ngày, nhưng khoảng 10 năm nay khi cây cà phê bắt đầu được trồng ở bản, gia đình bà phải đi mua nước để sử dụng.

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La, nguyên nhân ban đầu dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước là do tình trạng xả thải trong quá trình sơ chế, sản xuất cà phê. Hiện nay, các ngành chức năng đang rà soát tại các điểm sơ chế cà phê ở phía đầu nguồn thuộc các xã Chiềng Mung, Chiềng Ban để xác định vị trí gây ô nhiễm.

Khu vực cấp nước thô cho Nhà máy xử lý nước Nà Sản (Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn) chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Khu vực cấp nước thô cho Nhà máy xử lý nước Nà Sản (Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn) chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Ông Nguyễn Văn Bá, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La cho biết, theo đánh giá cảm quan thì nguồn nước ngầm tại khu vực đơn vị đang khai thác để cấp nước cho khu vực huyện Mai Sơn có màu đen, mùi hôi. Đơn vị đã gửi mẫu nước đi xét nghiệm nhằm xác định các chỉ tiêu khác của chất lượng nước. Hiện nay, việc xác định chính xác nguồn gây ô nhiễm ở khu vực đầu nguồn đang rất khó khăn vì khu vực này rất rộng, trên đó lại có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cà phê. Bên cạnh đó, do không có nguồn cấp nước phụ, nên việc tạm dừng cấp nước sẽ kéo dài, chưa xác định được ngày cấp lại.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, trên địa bàn có khoảng 5.000 ha cà phê. Tại các xã ở lưu vực nguồn nước ngầm phục vụ cho việc sản xuất nước sinh hoạt có trên 30 cơ sở sản xuất, sơ chế cà phê và một lượng lớn hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ. Vì vậy, việc quản lý những cơ sở này gặp không ít khó khăn. Từ tháng 10/2011 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã đề nghị xử lý 11 cơ sở chế biến cà phê không đáp ứng các tiêu chí về môi trường.

Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn cho biết, sau khi xảy ra tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập tổ công tác đi xác minh nguyên nhân. Qua tìm hiểu, bước đầu cho thấy nguyên nhân do việc sơ chế cà phê gây ra. Tuy nhiên, việc xác minh chính xác cơ sở nào thì vẫn đang được tiến hành, nếu phát hiện cơ sở nào gây ô nhiễm nguồn nước sẽ xử phạt theo quy định. Mặt khác, trên địa bàn hiện có 2 nhà máy sản xuất cà phê lớn, nhưng công suất chưa đáp ứng được với lượng cà phê thu hái. Vì vậy, các cơ sở nhỏ lẻ và người dân vẫn tự sơ chế cà phê. Ngoài ra, do giá cà phê đang xuống thấp nên người dân tự sơ chế để bảo quản, chờ đến khi giá cao mới bán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm. Trong thời gian tới, tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa cà phê đến các cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo để sơ chế; tăng cường công tác kiểm tra để xử lý các cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường.
Hữu Quyết

Có thể bạn quan tâm