Xã hội hóa dịch vụ KH&CN - những bước đi khó khăn

Xã hội hóa dịch vụ KH&CN - những bước đi khó khăn
Hiện nay, một số dịch vụ công trong lĩnh vực KH&CN đang dần được đẩy mạnh xã hội hóa, qua đó đáp ứng được nhu cầu của xã hội và giảm tình trạng độc quyền của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đã có không ít dịch vụ được xã hội hóa, như việc Bộ KH&CN cho phép gần 250 tổ chức ngoài công lập cung ứng dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Hay trong lĩnh vực ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, các dịch vụ môi giới, đánh giá, định giá, giám định công nghệ đã được xã hội hóa và có được những kết quả bước đầu, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia. Một số tổ chức có các hoạt động ươm tạo thuộc khu vực tư nhân đã ra đời và hoạt động hiệu quả, mang đến một làn sóng mới cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam…
 
Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang (Khánh Hòa) sản xuất thành công vắc-xin cúm A/H5N1. Ảnh: Công Thi
Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang (Khánh Hòa) sản xuất thành công vắc-xin cúm A/H5N1. Ảnh: Công Thi

Tuy nhiên, việc xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực KH&CN tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi để cung cấp dịch vụ cần có năng lực cao, đầu tư lớn, trong khi hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Đơn cử như đối với lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân cần một số dịch vụ: tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về ứng phó sự cố; quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; dịch vụ quan trắc môi trường… Những dịch vụ nêu trên đều là những dịch vụ cần thiết hiện nay, nhưng không thể xã hội hóa được. Một số dịch vụ về lĩnh vực thông tin KH&CN như tra cứu, thẩm định, khai thác thông tin… cũng không có tổ chức ngoài công lập nào đầu tư để hoạt động.
 
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển các cơ sở dịch vụ KH&CN ngoài công lập chưa hấp dẫn. Đến nay, các dịch vụ này vẫn được cung cấp bởi các đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác quản lý.
 
Hay như đối với việc kiểm định để đưa vắc-xin cho gia cầm ra ngoài thị trường cũng chưa thể xã hội hóa, khiến những doanh nghiệp muốn đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực này gặp khó khăn. Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ nông thôn (RTD) Cao Văn Hùng cho biết, việc kiểm định vắc-xin đối với các công ty nước ngoài đơn giản hơn nhiều so với vắc-xin do các đơn vị trong nước sản xuất. Có một số loại “con giống” đã có từ rất lâu rồi, nhưng để sử dụng và sản xuất tại Việt Nam thì vẫn phải thực hiện các thủ tục, đánh giá, kiểm định rất mất thời gian, có thể làm chậm trễ việc ra đời của sản phẩm. Trong khi đó những việc đánh giá này lại không thực hiện đối với các đơn vị nước ngoài nhập vắc-xin vào Việt Nam và hoàn toàn có thể thực hiện xã hội hóa.
 
Bên cạnh đó, thị trường KH&CN mới được hình thành, nhận thức và năng lực của các chủ thể còn hạn chế, các dịch vụ còn nhỏ lẻ, thiếu tính hệ thống, bài bản. Các tổ chức trung gian chưa khẳng định được vai trò kết nối cung, cầu và chưa có chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn thiện nhằm thu hút nguồn lực từ xã hội. Cùng đó là việc kiểm soát chất lượng dịch vụ được cung ứng bởi khối tư nhân vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. Các tổ chức, cá nhân, thường có xu hướng đẩy giá, phí dịch vụ lên cao, trong khi chất lượng dịch vụ không tương xứng, cơ chế tài chính thiếu minh bạch. Chính điều này đã tác động tiêu cực đến lòng tin và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) TS Trần Đắc Hiến chia sẻ, để đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa dịch vụ KH&CN, các bộ, ngành có liên quan cần tạo điều kiện để phát triển các loại hình dịch vụ KH&CN, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực ngoài công lập và công lập. Chấn chỉnh, lành mạnh hóa sự cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ KH&CN của các tổ chức ngoài công lập, đáp ứng yêu cầu của xã hội, bảo đảm được độ tin cậy để Nhà nước sử dụng, giảm tình trạng quá tải cho hệ thống công lập và ngân sách. Cần tổ chức rà soát, đánh giá các tổ chức cung ứng dịch vụ để có định hướng phát triển phù hợp, tránh sự trùng lặp gây lãng phí nguồn lực chung. Cần sớm xây dựng lộ trình triển khai và xã hội hóa các dịch vụ mới về sở hữu trí tuệ (SHTT), tạo điều kiện để các đại diện về sở hữu công nghiệp tham gia tích cực và chủ động hơn trong việc tư vấn, phản biện, xây dựng chính sách về SHTT. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhất là dịch vụ chiếu xạ phục vụ xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản, hải sản của doanh nghiệp. Cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ. Đồng thời, cần sớm hình thành thị trường dịch vụ KH&CN, khuyến khích doanh nghiệp thành lập các quỹ nghiên cứu và phát triển; đẩy mạnh việc thương mại hóa ứng dụng các kết quả KH&CN vào sản xuất kinh doanh; tạo cơ chế hỗ trợ hình thành các tổ chức đánh giá, thẩm định, định giá công nghệ, môi giới công nghệ…, huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Để nâng cao nguồn lực KH&CN, cần thúc đẩy hơn nữa việc xã hội hóa các hoạt động, dịch vụ trong ngành KH&CN. Trong đó, việc khuyến khích, tạo điều kiện để thành lập các tổ chức KH&CN trong doanh nghiệp, tháo gỡ các thủ tục hạch toán, quản lý phân biệt để tất cả đều được hưởng ưu đãi như nhau. Có như vậy mới tạo được sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với việc thành lập và cung cấp các dịch vụ về KH&CN. Điều này cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để KH&CN Việt Nam phát triển.

Có thể bạn quan tâm